Chính sách & Quản lý

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Mở lối để cổ vật, di vật hồi hương

Trung Kiên 17/06/2024 19:53

Điểm mới tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đó là Dự thảo Luật đã có các quy định, điều khoản khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa cổ vật hồi hương, cũng như không để “chảy máu” cổ vật, di vật. Những quy định này góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã góp phần đáng kể ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật, đồng thời tạo điều kiện để một tầng lớp thương nhân có trí thức, tâm huyết với di sản văn hóa góp phần bảo tồn, đưa cổ vật của Việt Nam về nước.

kim-an.jpeg
Kim ấn Hoàng đế chi bảo, do Nhà đấu giá tại Pháp đưa ra đấu giá và được một nhà sưu tầm tư nhân ở Việt Nam thương lượng mua lại và đã hồi hương vào tháng 11/2023.

Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước, đồng thời chưa quy định rõ ràng, cụ thể việc sao chép di vật, cổ vật dẫn đến việc sao chép, làm giả di sản là tài liệu, hiện vật cho mục đích thương mại, hoặc làm phiên bản giả phục vụ trưng bày làm sai lệch nhận thức công chúng.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV (đợt 2 từ ngày 17/6 đến 28/6), Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để các Đại biểu cho ý kiến. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Phan Thanh Hải - thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, chia sẻ, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để các địa phương, bảo tàng có cơ sở mua lại các cổ vật từ người nước ngoài đưa về nước. Bởi thực tế phản ánh, đối với một bảo tàng công lập, để đưa cổ vật của Việt Nam về nước thì phải trải qua rất thủ tục, quy định pháp luật liên quan.

Các chuyên gia về di sản văn hóa cũng đánh giá, hiện nay, Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước UNESCO 1970 (Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa) mà chưa tham gia một số công ước, hiến chương, khuyến nghị về di sản văn hóa và bảo vệ cổ vật, như: Công ước về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép năm 1955 (UNIDROIT), Khuyến nghị của UNESCO về các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ năm 1956 (Khuyến nghị New Dehli).

Chính vì vậy, chúng ta gặp không ít khó khăn khi muốn hồi hương cổ vật bằng con đường luật pháp quốc tế. Việc tích cực tham gia nhiều công ước quốc tế về bảo vệ cổ vật không chỉ giúp hạn chế, ngăn chặn tình trạng đánh cắp, buôn bán trái phép cổ vật, mà còn giúp tạo căn cứ pháp lý quan trọng để tiến hành đàm phán, ngoại giao hay thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đưa cổ vật về nước.

co-vat-2.jpg
Chiếc bàn trà bằng sứ của vua Tự Đức được trả lại cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sau phiên đấu giá cổ vật của “Monsieur X.” ở Paris (Pháp) năm 1988. (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn).

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên, quá trình soạn thảo Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lần đầu tiên đưa nội dung “hồi hương” cổ vật vào Dự thảo Luật. Theo đó, Điều 49 “Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước” trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm kê, lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất phương án thu hồi, mua, đưa và cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bộ Văn hóa cũng đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức nhận diện, lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài xuất xứ từ địa phương mình; huy động nguồn lực theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để thực hiện phương án thu hồi, việc mua và đưa về nước trong trường hợp cần thiết. Việc mua di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật này.

Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng quy định về các ngành, nghề kinh doanh di vật, cổ vật bao gồm: Kinh doanh mua bán di vật, cổ vật; Kinh doanh cho thuê di vật, cổ vật; Kinh doanh bảo quản, phục chế, số hóa hình ảnh và dữ liệu di vật, cổ vật; Kinh doanh dịch vụ giám định di vật, cổ vật. Hoạt động kinh doanh di vật, cổ vật phải được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và pháp luật khác liên quan.

Với việc đưa vào nội dung về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tập trung vào 1 trong 3 nội dung trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Đó là hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia)…

Thông qua đó, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý quan trọng, mở lối cho di vật, cổ vật giàu giá trị văn hóa - lịch sử của Việt Nam ở nước ngoài hồi hương, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước trong thời đại mới./.

Trung Kiên