Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Thanh toán không dùng tiền mặt: Bước chạy đà cho nền kinh tế số Hà Nội

Trung Kiên 09:54 16/06/2024

Việc chuyển đổi số với các mô hình thu phí, thanh toán không tiền mặt tại Thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được trải nghiệm hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số và hình thành nền kinh tế số...

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND Thành phố về việc chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.

hoankiem32.jpg
Cán bộ Thành đoàn Hà Nội, đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thanh toán tiền gửi xe không dùng tiền mặt ở điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

“Việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng, từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều mô hình về thu phí hoặc thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai ở các địa phương, cấp ngành trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương được Thành phố Hà Nội lựa chọn làm mô hình điểm về thanh toán, thu phí không dùng tiền mặt. Tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm, các phường Hàng Gai, Hàng Đào, Trần Hưng Đạo… đã tiến hành triển khai thí điểm thanh toán không tiền mặt các dịch vụ công. Với việc thanh toán không dùng tiền mặt, trung bình 1 hồ sơ khi thực hiện thanh toán quét QR, người dân giảm được 4 thao tác và không phải dùng tiền mặt, đồng thời các cán bộ có thể giảm đến 6 thao tác. Qua đó cả người dân và cơ quan chuyên môn tiết kiệm được thời gian đáng kể.

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm đã lựa chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. Khi tới các tuyến phố này của quận Hoàn Kiếm, dù mua hàng với giá dưới 10.000 đồng, người dân cũng có thể thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều điểm trông giữ xe tại quận Hoàn Kiếm hiện đã thực hiện thu phí thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR từ các ứng dụng ngân hàng hoặc liên kết ngân hàng.

Tương tự quận Hoàn Kiếm, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nhân rộng tại quận Long Biên với mô hình “Chợ 4.0 - Chợ không dùng tiền mặt” ở chợ Thượng Thanh. Người dân đến chợ Thượng Thanh trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây không khỏi ngạc nhiên khi phía trên từng quầy hàng đều được treo biển ghi đầy đủ thông tin về chủ hộ kinh doanh, mặt hàng và nhất là mã QR kèm số tài khoản thanh toán.

cho-thuong-thanh.jpg
Mô hình “Chợ 4.0 - Chợ không dùng tiền mặt” ở chợ Thượng Thanh (quận Long Biên) trong hơn 1 năm qua đã được các hộ kinh doanh, người dân nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng.

Các tiểu thương ở chợ Thượng Thanh không còn phải “đau đầu” chuẩn bị tiền lẻ trả lại cho khách hàng, khách hàng cũng không cần mang theo tiền mặt đi chợ dù chỉ mua mớ rau, bìa đậu bởi tất cả được giao dịch qua điện thoại thông minh. Anh Trường, một tiểu thương tại chợ Thượng Thanh, cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi cho người mua và bán. Các tiểu thương không mất công sức hay gặp khó khăn trong quá trình tạo mã QR vì đã được lực lượng đoàn thanh niên hỗ trợ.

Hiện nay, hơn 95% số hộ kinh doanh tại chợ Thượng Thanh đã mở tài khoản, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cả người mua, người bán đều rất hào hứng với hình thức thanh toán này. “Trước đây, đi chợ quên mang tiền hoặc chưa rút tiền ở trong thẻ, tôi phải quay về nhà hoặc ra cây ATM để rút tiền. Nhưng giờ thì khác, chỉ cần mang theo điện thoại và có tiền trong tài khoản có thể đi chợ thoải mái, chỉ cần quét QR trong vài giây là xong”, chị Lê Mỹ Hà (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), chia sẻ.

Tại huyện Mê Linh, hầu hết các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh hiện nay đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, “quẹt thẻ” ATM hoặc qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Do vậy, khi đi mua sắm, người dân rất ít khi mang tiền mặt, chủ yếu thực hiện thanh toán điện tử. Điều này mang lại rất nhiều tiện ích, vừa nhanh chóng, thuận tiện lại khá an toàn cho người dân.

Anh Trần Mạnh Cường (thị trấn Mê Linh), chia sẻ, thanh toán không dùng tiền mặt, qua các ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Thậm chí, các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như tiền điện, tiền nước, tiền mạng internet, tiền học phí của con… đều được anh Cường thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh thu phí, thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tạo nền tảng, bước chạy đà để Hà Nội trở thành thành phố thông minh, phát triển kinh tế số. Điều này cũng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu trong hoạt động chuyển đổi số của Hà Nội, đó là: Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Hiệu quả thực chất - Phục vụ nhân dân.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hà Nội và Sở Công thương Hà Nội, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã được triển khai sâu rộng, lan tỏa và diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh như: tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…/.

Trung Kiên