Sự kiện & Bình luận

Tạo “sức bật” cho du lịch nông thôn phát triển xứng tầm

Trung Kiên 09:10 13/06/2024

Hầu hết các địa phương ở nước ta đều có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn song việc khai thác chưa tương xứng. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, Bộ ngành liên quan cần phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều ích lợi, tạo “sức bật” để phát triển

Phát triển du lịch nông thôn là một trong 6 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Hiện cả nước có 488 khu điểm du lịch và 80% trong số này nằm ở nông thôn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta có 3 loại hình cơ bản: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Kể từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng tìm về nông thôn để trải nghiệm hoạt động nông nghiệp được nhiều du khách ưa thích, tạo ra “cơ hội vàng” cho du lịch nông thôn phát triển.

hong-van.jpg
Điểm du lịch làng quê xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) những năm qua luôn tấp nập du khách đến tham quan, trải nghiệm và hòa cùng thiên nhiên xanh, khí hậu trong lành.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn giúp nhiều địa phương hình thành những thương hiệu du lịch lễ hội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, nâng cao chi tiêu của khách. Ngoài ra, du lịch nông thôn cũng giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, vừa tăng cơ hội việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới như thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn. Ngoài ra, du lịch nông thôn trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, những năm qua, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Cuộc sống ở nhiều cộng đồng làng quê trở nên đầy đủ, văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nhưng thực tế cũng phản ánh, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế, đáng kể nhất là hoạt động tự phát, cách làm giống nhau, thiếu gắn kết, các hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được quan tâm đúng mức...

Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn.

Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.

Đặc biệt, đầu tháng 6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Việc phối hợp giữa hai Bộ sẽ tạo sức bật, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững.

Hà Nội chủ động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn từ sớm, từ xa

Với riêng Hà Nội, bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thành phố đã rất chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua. Điển hình là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

du-lich-nt.jpg
Các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại khu du lịch trải nghiệm Vạn An – Hải Đăng (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì).

Thể chế hóa Chương trình số 04-CTr/TU, UBND Thành phố Hà Nội ngay sau đó đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”, theo đó tập trung xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Hiện tại Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm tại huyện Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thường Tín, thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, Thành phố đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái tại huyện Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì; thị xã Sơn Tây. Các địa phương cũng hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)…

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2024, ngành tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Trong đó ưu tiên phát triển 2 - 3 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Cùng đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; xây dựng điểm đến du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của các huyện, thị xã. Ngành du lịch Thủ đô đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, ngành Du lịch Hà Nội cũng nỗ lực xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương. Qua đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Thủ đô, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố./.

Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương”.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam.

Trung Kiên