Văn hóa - Xã hội

Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay

Tô Ngọc Oanh 11/06/2024 17:53

Sáng 11/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban Chủ nhiệm Đề tài KX.02.31/21-25 đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng và vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay” hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1924 - 21/6/2024). Bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, hội thảo đã làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.

Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông còn nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS. Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX.02.31/21-25 cho biết, trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí - truyền thông nước nhà, để từ đó báo chí - truyền thông luôn đồng hành cùng với đất nước đi qua những năm tháng cách mạng rất oanh liệt và vẻ vang.

z5528892937421_b6a3d11f5001f0a23e25b7694ab45385.jpg
PGS, TS. Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc hội thảo.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình cách mạng, báo chí - truyền thông Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền báo chí - truyền thông của Việt Nam hiện nay. Chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, đem đến sự thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách thức làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí dựa trên mô hình truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện cùng với đó là sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang đặt ra những hướng phát triển mới cũng như những yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với báo chí - truyền thông nước nhà, để nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thế giới và phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng hiện đại.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều thách thức từ những vấn đề nội tại của nền báo chí - truyền thông trong nước như công tác quản lý báo chí - truyền thông ở một số nơi còn lỏng lẻo; công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới hoạt động báo chí - truyền thông còn nhiều khó khăn; một bộ phận những người làm báo chí - truyền thông cũng như một số cơ quan báo chí - truyền thông có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội, đi ngược lại với những giá trị về phẩm chất, đạo đức của người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

z5528892872234_8c6f1320c391b28276c1438816df96d7.jpg
PGS.TS Phạm Huy Kỳ - Nguyên PGĐ Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo.

Tại buổi hội thảo, bên cạnh những thành tựu đạt được, PGS.TS Phạm Huy Kỳ - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông như: Hoạt động nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đối với báo chí cách mạng còn phụ thuộc rất nhiều những vấn đề lý luận rút ra từ những bài nói bài viết của Hồ Chí Minh, thiếu đi những thực trạng, số lượng nghiên cứu cụ thể hay sự quan tâm đầu tư các nguồn lực để phục vụ các hoạt động nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được những nguyện vọng mong muốn của Đảng và Nhà nước…

Đồng thời, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ và khó kiểm soát thông tin trên không gian mạng, các âm mưu chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động trên các phương tiện truyền thông,… cũng là những vấn đề phức tạp mà báo chí - truyền thông nước nhà phải đối mặt trong định hướng thông tin, dư luận. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

z5528892910594_68ab8e7f5eae98fc2caa9fe4b48de421.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều tham luận tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành, các trường đại học, cơ quan báo chí - truyền thông.

“Vì thế, cần phải khẳng định những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí - truyền thông trong nước, nhưng cần phải vận dụng và phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi cần phải tiến hành đánh giá một cách khách quan, toàn diện việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông”, PGS, TS. Mai Đức Ngọc nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ chính cơ quan báo chí - truyền thông

Hiện nay, khi mạng lưới báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ với gần 800 đơn vị trên khắp cả nước, bao gồm 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh vào lĩnh vực báo chí - truyền thông trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, bản thân cơ quan báo chí - truyền thông cũng cần có những quan điểm hoạt động khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, báo chí phải giữ vững giá trị cốt lõi của mình là tận tụy phục vụ đất nước và cách mạng, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính chính danh và sức ảnh hưởng của ngành. Thứ hai, tính chân thật, khách quan luôn phải được coi là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động báo chí, mọi thông tin đưa ra phải được kiểm chứng một cách nghiêm ngặt, tránh tình trạng sai lệch. Cuối cùng, báo chí cần xác định rõ ràng đối tượng công chúng mục tiêu của mình, điều này sẽ giúp cho việc truyền tải thông tin đạt được hiệu quả cao nhất. “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

z5528892889805_ab992942f28c6e45a0b1f0b8c5b9d6bd.jpg
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Trong thời đại thông tin bùng nổ và sự xuất hiện của hàng loạt phương tiện truyền thông mới, PGS.TS Nguyễn Thắng Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí, ngôn luận ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh càng có giá trị trong việc định hướng kịp thời dư luận bằng những thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác và đập tan những thông tin độc hại, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, việc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với báo chí là yếu tố tiên quyết để đảm bảo tự do báo chí và giúp nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích của mình.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS, TS. Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo các báo cáo, tham luận của các đơn vị, qua đó, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Ban Chủ nhiệm Đề tài. Buổi hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, góp phần đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng và những vấn đề đặt ra về nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới, để từ đó giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước giữ gìn và phát huy những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong lãnh đạo, quản lý, phát triển báo chí - truyền thông trong thời kỳ mới nói riêng./.

Tô Ngọc Oanh