Hoạt động hội

Tìm giải pháp lấp “khoảng trống” cho lý luận phê bình sân khấu

Thụy Phương 11/06/2024 14:08

Lý luận phê bình là một thành tố không thể thiếu trong văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Dù đóng vai trò quan trọng, nhưng lý luận phê bình sân khấu hiện nay vẫn trong cảnh “đìu hiu chợ chiều”. Thực trạng này, một lần nữa lại được “xới xáo” trong hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức sáng ngày 11/6.

Thiếu và yếu cả “phê” và “bình”

Lý luận, phê bình (LLPB) văn học nghệ thuật, trong đó có sân khấu là bộ phận quan trọng của đời sống văn hóa, văn nghệ, còn là một bộ phận trong công tác chính trị của Đảng.

LLPB sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Lý luận - là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu. Còn phê bình - là sự thẩm định, đánh giá, giải thích, phát hiện, định hướng những giá trị sáng tạo của một tác phẩm, một tác giả, một giai đoạn, một khuynh hướng, một trào lưu cụ thể.

z5528066545931_8646c1c63f74041faae6a74d092df80a.jpg
PGS. TS Trần Trí Trắc phát biểu đề dẫn hội thảo.

Theo PGS. TS Trần Trí Trắc, LLPB sân khấu là con đẻ của nghệ thuật sân khấu. Vì không có nghệ thuật sân khấu thì không có LLPB sân khấu. Vị trí của nó luôn luôn được bình đẳng với tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa và khán giả của nghệ thuật sân khấu.

Từ nội hàm của LLPB sân khấu, soi chiếu vào thực trạng đội ngũ LLPB sân khấu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay, các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã chỉ rõ những “khoảng trống” của LLPP sân khấu hiện nay.

z5528060826261_287666789cc6d0893bb33cf3d8916bd7.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

NSƯT Trịnh Quang Khanh nhận định: “Đội ngũ người làm công tác lý luận phê bình hiện nay rất mỏng, mỏng ngay từ khâu đào tạo cho đến hoạt động thực tiễn”. Còn NSND Thanh Trầm – nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng LLPB sân khấu hiện nay vẫn còn nhiều bài viết “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” cũng chưa thấu đáo.

Đề cập tới thực trạng báo chí viết về sân khấu hôm nay, nhà báo, cây bút LLPB sân khấu Thúy Hiền trăn trở: “Hoạt động LLPB trên báo chí vẫn còn đơn lẻ, thiếu sự tổ chức, tập hợp. Nhiều bài viết chỉ mang tính quảng bá, giới thiệu. Đội ngũ phóng viên viết về sân khấu trên báo về ít số lượng và yếu về chất lượng, đội ngũ lãnh đạo một số nơi ít quan tâm đến công tác đào tạo LLPB cho đội ngũ phóng viên”.

z5528068091627_71f686b9460fab76725d2711624d09ef.jpg
Nhà báo Thúy Hiền phát biểu tại hội thảo.

Nhìn nhận một cách bao quát, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng ở Việt Nam, ngành lý luận, phê bình sân khấu chưa có truyền thống. Sự hiện diện của nó, hôm nay cũng không thể gọi là chuyên nghiệp hoàn toàn và còn rất non trẻ.

"Từ khi đất nước thống nhất đến nay, nền sân khấu cách mạng ngày càng xuống cấp, đã kéo theo lý luận, phê bình sân khấu tụt hậu thảm hại. Hiện nay, nguồn nhân lực cũ đã cạn kiệt và nguồn lực mới hầu như không có khiến cho cơ nghiệp ngành LLPB sân khấu Việt Nam trở nên ảm đạm muôn phần", PGS.TS Trần Trí Trắc ngậm ngùi.

Giải pháp nào lấp đầy “khoảng trống”

Vị trí của LLPB sân khấu rất yếu trong hoạt động sân khấu, đó là thực trạng mà những “người trong cuộc” đều thẳng thắn thừa nhận. Vậy làm thế nào để lấp đầy những “khoảng trống” trong LLPB sân khấu hiện nay? Theo NSND Thanh Trầm, các cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất.

“Hiểu chữ phê bình đủ nghĩa, không chỉ là “phê” cho người ta thấy cái dở, sự thiếu sót của tác phẩm mà còn phải “bình” đến nơi đến chốn sự thành công, cái hay, cái đẹp, không chỉ về nội dung tác phẩm mà cả hình thức thể hiện theo đặc thù ngôn ngữ của ngành nghệ thuật của tác phẩm được viết cũng như giá trị của tác phẩm trong bối cảnh xã hội và của sự phát triển ngành đó”, NSND Thanh Trầm nhấn mạnh.

z5528073706028_9be6185c04b6075d07c3812364873821.jpg
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền bày tỏ sự trăn trở trước thực trạng LLPB sân khấu hiện nay.

Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, để LLPB sân khấu thực sự phát huy vai trò của mình, các đơn vị sân khấu, hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về LLPB, có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn. Và điều cần thiết nhất của LLPB sân khấu này là giúp ekip sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn, nhấn được thông điệp của tác phẩm.

TS. Nguyễn Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, những người làm công tác LLPB cần tự khẳng định vai trò, vị trí của chính mình trong đời sống văn học, nghệ thuật; thể hiện tầm nhìn bao quát, sâu và rộng, đa chiều, khách quan, cập nhập quan điểm hiện đại trước thực tiễn sáng tạo và đánh giá tác giả, nghệ sĩ, tác phẩm; mở rộng nhiều hình thức phê bình để thu hẹp khoảng cách giữa sân khấu với công chúng, sân khấu với cuộc đời và nêu cao vai trò định hướng gắn liền với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, hỗ trợ cho thực tiễn quản lý, sáng tạo của văn nghệ sĩ và sự phát triển của văn học, nghệ thuật trên thị trường văn hóa.

“Để lý LLPB sân khấu phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của VHNT thì hơn ai hết các nhà lý luận phê bình cần phải tiếp thu có sáng tạo các thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới. Nếu người viết LLPB sân khấu nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình LLPB sân khấu và chỉ vận dụng một hệ hình LLPB để đánh giá các tác phẩm sân khấu sẽ dẫn đến tình trạng LLPB sân khấu trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị sáng tạo mới lạ tìm tòi của các vở diễn sân khấu”, đạo diễn Hoàng Thanh Du đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến, tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh đến công tác đào tạo đội ngũ LLPB sân khấu; thay đổi chế độ nhuận bút cho các bài phê bình, nghiên cứu sân khấu hiện nay..../.

Thụy Phương