Hoạt động hội

Tọa đàm “Mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học”

Khánh Quỳnh 15:49 05/06/2024

Sáng ngày 5/6, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học”. Tới dự tọa đàm có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Những năm gần đây, cụ thể là khi Thành phố Hà Nội phát động cuộc vận động sáng tác “Thăng Long Hà Nội – Nghìn năm văn hiến”, chúng ta đều nhận thấy đề tài lịch sử tiếp tục là nguồn cảm hứng đối với các văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn nói riêng. Tọa đàm văn học lần này với chủ đề mở để vừa đánh giá, nhìn nhận thực trạng tồn tại và tác động; vừa khẳng định vị trí cũng như những bước đi tiếp theo của nó với nội dung, thủ pháp nghệ thuật trước nhu cầu thực tế của thời đại”.

z5509799144305_42d59f4945e52b42578a30e87d999c8d.jpg
Nhà văn Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Lịch sử và văn chương có độ vênh lệch nhất định do mức độ hư cấu được phép đối với mỗi loại thể. Trong khi sử gia cần ghi chép một cách khách quan, xác tín thì nhà văn lại cần sự sáng tạo, giả tưởng. Tại tọa đàm, các tham luận đã mang tới những góc nhìn đa chiều xoay quanh mối tương quan giữa lịch sử và văn học.

Theo đó, đa số các ý kiến đều đồng tình việc cần phải có sự hư cấu nhất định trong tác phẩm văn học, nhưng cho rằng phải cân đối giữa sự thật - sáng tạo.

Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên nhấn mạnh: “Một mặt nghệ sĩ vừa phải tôn trọng đến mức tối đa sự thật lịch sử, nhưng mặt khác, bằng cảm xúc, tài năng cá nhân, anh ta phải sáng tạo ra một thế giới thứ hai […] cốt sao cái lịch sử trong tác phẩm văn học nghệ thuật không trở thành kẻ hoàn toàn xa lạ với cái lịch sử đã từng tồn tại trong đời sống thực”.

anh.jpg
Nhà văn Bùi Việt Mỹ và GS. TS Trần Đăng Suyền chủ trì buổi tọa đàm.

Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Lê Hoài Nam chia sẻ: “Tôi thường tôn trọng những sự kiện có thật trong lịch sử, nhất là những sự kiện lớn đã đi vào tâm thức của công chúng. Nhưng nếu quan niệm sự chân thật ở đây lại giống như sao chép lịch sử thì cũng không đúng […] mà nhà văn khi viết tác phẩm phải dùng trí tưởng tượng lấp đầy những khoảng trống một cách hợp lý, thổi hồn vào văn làm cho câu văn lấp lánh khêu gợi”.

Bên cạnh đó, tại tọa đàm một số ý kiến cũng đặt ra câu hỏi về việc phải "gia công" chất liệu lịch sử ra sao cũng như tiêu chí nào để đánh giá một tác phẩm trung thành hay xuyên tạc lịch sử. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân bày tỏ nghi vấn “Liệu sự thật lịch sử có hoàn toàn khách quan, phản ánh chính xác những gì đã diễn ra hay không?” bởi theo ông “chính sử không thể bao quát hết, phản ánh chính xác những gì đã diễn ra”.

z5509177747245_04971810bd2324ce38e3fafe31f3c5ef.jpg
Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu và hội viên.

“Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử cũng như những nhà nghiên cứu, phê bình và bạn đọc không sống cùng thời với nhân vật lịch sử. Vấy lấy gì làm bằng cứ, thước đo để kết luận là trung thành hay xuyên tạc, bóp méo?”. Chúng ta đều biết có những khoảng trống trong ghi chép, nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực vi sử, tạo ra một “lịch sử không rõ ràng”, PGS.TS Vũ Nho cũng bổ sung luận điểm này.

Một góc nhìn khác, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng lịch sử là nền tảng cho các nhà văn sáng tạo, phát triển tầm vóc văn chương của mình: “Cảm hứng lớn, tích cực giúp nhà văn có tầm bay cao, bay xa của đại bàng nhìn thấu cuộc sống cả trong bề rộng lẫn bề sâu (nói cách khác là năng lực thấu thị lịch sử, cuộc đời, con người)".

z5509177765862_3580f03298193d35738cefa20b39761d.jpg
Nhà Lý luận phê bình Bùi Việt Thắng phát biểu tham luận tại tòa đàm

Có thể nói, mối quan hệ giữa lịch sử và văn học là một chủ đề đã được thảo luận từ lâu, cũng sẽ còn được tiếp tục thảo luận. Tuy vậy, cái đích cuối cùng của sáng tạo văn chương trên chất liệu lịch sử, “chung quy lại cũng hướng tới mục đích tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc” – như nhà văn Bùi Việt Mỹ chia sẻ./.

Khánh Quỳnh