Sự kiện & Bình luận

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Từng bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa

Quỳnh Phạm 31/05/2024 10:34

Quá trình lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô), dựa trên nền văn hóa ngàn năm cùng hệ thống di sản phong phú, đặc sắc và đa dạng; Thành phố Hà Nội đã xác định văn hóa và di sản là trụ cột phát triển Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô đã được HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề, ngày 29/3/2024). Ngoài các nội dung đã đề cập ở bài viết trước trên Tạp chí Người Hà Nội, xác định văn hóa và di sản là trụ cột để phát triển Thủ đô; Quy hoạch Thủ đô còn có nhiều hướng phát triển lĩnh vực này để Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn minh – Văn hiến – Hiện đại”.

Phát triển hệ thống bảo tàng, thư viện

Theo đó, Quy hoạch Thủ đô hướng tới phát triển các bảo tàng trở thành môi trường giáo dục, nghiên cứu về văn hóa của Thủ đô Hà Nội, vừa là điểm đến du lịch hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.

baotanghanoi.jpg
Các bạn trẻ tham quan trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Xây dựng cơ sở dữ liệu số của bảo tàng theo hướng đồng bộ, hiện đại có khả năng liên kết, hợp tác quản lý và khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu số hóa tài liệu, hiện vật của hệ thống bảo tàng quốc gia, hệ thống bảo tàng chuyên đề. Đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả các bảo tàng, kết hợp không gian văn hóa - sáng tạo như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... Khuyến khích thành lập các bảo tàng tư nhân.

Hướng phát triển về văn hóa, Quy hoạch Thu đô còn nâng cấp và cải tạo hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng nhằm tăng cường năng lực số hóa tài liệu và xử lý dữ liệu. Phát triển dữ liệu số ngành thư viện; xây dựng và phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng…Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thư viện trực tuyến và chú trọng khai thác không gian bảo tàng, thư viện gắn với triển lãm, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và dịch vụ trải nghiệm.

Xây dựng, phát triển các công trình văn hóa, nhà hát…

Theo Quy hoạch Thủ đô đã được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua, thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và cả nước, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Xây dựng một số công trình mang tính biểu tượng Thủ đô gắn với quảng trường và không gian lễ hội trên trục Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì và các cầu qua sông Hồng.

Đồng thời, Thành phố Hà Nội từng bước xây dựng Thủ đô có thương hiệu trong khu vực và quốc tế về trao đổi tác phẩm mỹ thuật, tổ chức triển lãm trại sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh quốc gia và quốc tế. Hình thành không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật hai bên bờ sông Hồng; xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng mang nét văn hóa biểu trưng của Thủ đô bố trí, tạo điểm nhấn cho không gian các đô thị cửa ngõ phía Bắc sông Hồng, phía Tây và phía Nam thành phố, trục cảnh quan sông Hồng, sông Đáy, sông Tô Lịch. Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng Trung tâm hội chợ, triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh.

lienhoansankhau.jpg
Quy hoạch Thủ đô đưa ra phương hướng đẩy mạnh phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng.

Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển, Hà Nội đẩy mạnh phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng, nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Tổ chức đăng cai thường niên các sự kiện nghệ thuật biểu diễn quốc tế dân gian và hiện đại; phấn đấu đưa một số sự kiện trở thành các thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế.

Đầu tư xây dựng mới Nhà hát nghệ thuật tầm cỡ quốc gia tại khu vực quận Tây Hồ; nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị cho các nhà hát nghệ thuật truyền thống, xây dựng công trình Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Thành phố Hà Nội. Phát triển hệ thống rạp hát, sân khấu ngoài trời quy mô lớn đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên các hồ lớn tại Hồ Tây, hồ Đồng Mô... Cung thanh niên cũng dự kiến được xây dựng tại quận Hoàn Kiếm.

Trong tương lai, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mạng lưới quảng trường, công viên, phố đi bộ, mở rộng, nâng cấp công viên phục vụ nhu cầu vui chơi và giải trí cho người dân và khách du lịch (công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, công viên Bách Thảo...). Thành phố xây mới các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao gắn với trục cảnh quan sông Hồng, phát triển không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu và vùng phụ cận, khu vực hồ Ngọc Khánh, thành cổ Sơn Tây, dọc theo trục không gian văn hóa sông Hồng.

Ngoài ra, Thành phố sẽ đầu tư công trình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các huyện ngoại thành, miền núi và phục vụ khách du lịch tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, du lịch trải nghiệm tại cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai, Mỹ Đức. Hoàn thiện hệ thống các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo; cung cấp dịch vụ lưu trú, nghệ thuật biểu diễn, trải nghiệm chế tác đồ thủ công và ẩm thực địa phương phục vụ khách du lịch tại các làng bản có cộng đồng dân tộc Mường và Dao sinh sống.

Nghiên cứu chuyển đổi mô hình rạp chiếu phim công lập sang mô hình không gian văn hóa sáng tạo, triển lãm nghệ thuật. Khuyến khích phát triển mạng lưới các cơ sở chiếu phim trực tuyến, cơ sở đào tạo điện ảnh tư nhân, cung cấp các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật điện ảnh hiện đại. Hình thành không gian tổ chức các sự kiện điện ảnh quy mô như: liên hoan phim, trao giải thưởng điện ảnh quốc gia và quốc tế ở thành phố phía Bắc sông Hồng.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa

Từng bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.

ha-noi-424.jpg
Tài năng nghệ thuật nhí Thủ đô trình diễn nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo của Thủ đô có sẵn lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển mạnh mẽ: Du lịch văn hóa; Thủ công mỹ nghệ; Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Thiết kế; Ẩm thực; Phần mềm và trò chơi giải trí. Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Xây dựng và phát triển không gian văn hóa sông Hồng với các đặc trưng văn hóa nổi bật được hình thành bởi văn hóa Thăng Long và 4 tiểu vùng văn hóa: xứ Đoài, xứ Bắc (Kinh Bắc), xứ Đông (hướng biển) và xứ Sơn Nam. Xây dựng xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì) thành không gian văn hóa tiêu biểu, đặc sắc phục vụ du lịch trải nghiệm. Hình thành con đường di sản dọc hai bên sông tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh các các vùng, miền của Tổ quốc, kết hợp xây dựng công viên văn hóa, vui chơi giải trí.

Đặc biệt, Hà Nội hướng tới hạn chế xây dựng những công trình văn hóa, thể thao cao tầng, ưu tiên nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa khu phố cổ, khu phố mang dấu ấn văn hóa những năm đầu của thế kỷ XX tại khu vực nội đô lịch sử. Ưu tiên phát triển hệ thống vườn hoa, công viên, khu vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố, nhất là tại các khu vực có mật độ tập trung dân cư cao.

Với các phương hướng phát triển về văn hóa và di sản trong Quy hoạch Thủ đô, có thể khẳng định Quy hoạch đã thể hiện tầm nhìn mới - tư duy mới, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thảo luận “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Trong khi đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6).

Quỳnh Phạm