Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản chấm dứt bệnh lao
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân vào năm 2030, cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 để người dân Thủ đô được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Ngày 28/5, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND về việc Thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống bệnh Lao đến năm 2030 của thành phố Hà Nội.
UBND Thành phố Hà Nội đánh giá giai đoạn 2020-2023, Chương trình chống lao Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, luôn bám sát các mục tiêu quốc gia, mục tiêu của Thành phố để xây dựng các hoạt động của chương trình. Chương trình đã cơ bản triển khai các hoạt động năm, khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng và hiệu quả, các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành.
Chương trình vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Công tác khám chữa bệnh Lao theo Thông tư số 36/2021 đã được triển khai từ 1/7/2022 và tính đến 31/12/2022 tất cả các Trung tâm y tế quận/huyện và các bệnh viện đa khoa tham gia Mô hình 4 đã kiện toàn và đủ điều kiện khám chữa bệnh lao theo Bảo hiểm y tế. Công tác thực hiện tại các quận, huyện bám sát chỉ tiêu, thực hiện công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị, quản lý người bệnh theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia.
Giai đoạn 2020 – 2023, Thành phố phát triển mạnh các hoạt động khám phát hiện chủ động, đảm bảo 1% dân số Hà Nội được khám nghi lao hàng năm. Việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên, hoạt động cấp phát thuốc tại các xã được duy trì, thuận tiện cho bệnh nhân, đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh ngay trong thời gian dịch bệnh. Thực hiện công tác quản lý người bệnh tại các xã, phường đảm bảo yêu cầu mục tiêu chung thể hiện qua các đợt giám sát của Chương trình chống lao Quốc gia.
Kịp thời có các điều chỉnh phù hợp, cập nhật, hiện đại đúng quy định ứng dụng vào thực tế triển khai. Hoạt động đạt được các mục tiêu của Dự án Phòng chống ao Quốc gia cũng như đang đi đúng lộ trình đạt tới các mục tiêu của Chiến lược quốc gia Phòng, chống bệnh lao, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đặc biệt với việc giảm dần tỷ lệ bệnh nhân điều trị lao, tiến tới khống chế bệnh lao vào năm 2030; tăng tỷ lệ điều trị dự phòng bệnh nhân Lao tiềm ẩn.
Từ đó, mạng lưới phòng chống lao được xây dựng, cập nhật kiến thức và hoạt động nề nếp qua nhiều năm. Nhiều kỹ thuật hiện đại, phác đồ điều trị mới được nhanh chóng cập nhật khi có hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, Chương trình chống lao Quốc gia, có nhiều hỗ trợ chuyên môn trong và ngoài chuyên ngành, hỗ trợ quốc tế, hợp tác triển khai triển khai nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, tình hình bệnh lao toàn Thành phố còn ở mức cao, tỷ lệ giảm bệnh nhân lao thấp. Tổ chống lao tuyến quận, huyện, Thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều nên công tác phòng, chống bệnh còn hạn chế, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa… Cùng đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, hạn chế hiểu biết về bệnh nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng.
Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nói trên, UBND Thành phố triển khai Kế hoạch Thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống bệnh Lao đến năm 2030 trên địa bàn. Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu của Thành phố Hà Nội gồm có xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Hoạt động chuyên môn, kỹ thuật (phát hiện và chẩn đoán sớm người bệnh lao; quản lý điều trị hiệu quả bệnh nhân lao; dự phòng lao tiềm ẩn; xét nghiệm vi khuẩn lao; các hoạt động trên đối tượng đặc thù như lao kháng thuốc, lao trẻ em…).
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động hợp tác (Nghiên cứu khoa học như ứng dụng các công cụ chẩn đoán nhanh, điều trị hiệu quả và an toàn hơn, phát triển và triển khai các nghiên cứu tác nghiệp tại tuyến tỉnh, tham gia các thử nghiệm lâm sàng; Hợp tác quốc tế); Cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật; phát triển nhân lực và tổ chức mạng lưới (phối hợp y tế trong và ngoài công lập, đào tạo, tập huấn); Kiểm tra, giám sát chuyên môn và 1uản lý thông tin…
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan Thường trực tham mưu, chủ trì phối hợp các Sở, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò hoạt động phòng chống lao, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các ngành, đoàn thể. Sở Y tế đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội các Bệnh viện Thành phố và Bệnh viện huyện có tham gia khám chữa bệnh lao, trung tâm y tế quận huyện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công tác chống lao, triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống lao thành phố Hà Nội đến năm 2030 đến các đơn vị.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động triển khai và kết quả thực hiện cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và cơ quan báo chí về công tác phòng chống bệnh lao đến năm 2030 của Thành phố Hà Nội./.