Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Hiện thực hóa khát vọng Hà Nội thành trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước
Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô Hà Nội đã, đang không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định mới, chính sách đặc thù sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng Hà Nội thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Đồng thời “xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”.
Quan điểm, mục tiêu phát triển GD&ĐT Thủ đô kể trên tiếp tục được Bộ Chính trị nhấn mạnh tại Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5: “xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương, Bộ Chính trị về nội dung trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua chỉnh lý (Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV chiều ngày 28/5) đã có những điểm mới với những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trong phát triển GD&ĐT.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc xây dựng và phát triển GD&ĐT Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; cơ sở giáo dục có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về quy mô giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục và cơ chế quản lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định việc đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí.
Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện tính đặc thù, phân cấp phân quyền cho Hà Nội, qua việc HĐND Thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài. HĐND Thành phố quy định mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn Thủ đô không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục; mức hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội.
Trong khi đó, UBND Thành phố Hà Nội quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; tiêu chuẩn, điều kiện đội ngũ giáo viên, việc thuê giáo viên người nước ngoài; việc huy động nguồn lực để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp. Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô cho phép UBND Thành phố Hà Nội quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Theo đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép chính quyền Thành phố Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ về phát triển GD&ĐT Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc cho phép Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai cho Thủ đô và xa hơn cho cả nước.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) nhất trí với quy định cho phép UBND Thành phố Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Hà Nội và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đây là quy định có sự tiếp nối, kế thừa khoản 3 Điều 12 của Luật Thủ đô hiện hành. Thực tiễn triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Hà Nội thời gian qua đã cho thấy kết quả tốt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học; rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong Dự thảo Luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao./.