Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý
Phát biểu Kết luận phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều ngày 28/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự thảo Luật đã được chỉnh lý.
Tạp chí Người Hà Nội đã thông tin, chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trước khi bước vào thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Dự luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW và đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội bước vào phiên thảo luận. Theo đó, đã có 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Đa số các Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận đều đánh giá rất cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội Khóa XV – Kỳ họp thứ 7 và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự thảo Luật đã được chỉnh lý.
Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định:
Hồ sơ Dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Kết luận của Bộ chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 15 -NQ/TW và đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, đó là tăng cường phân cấp phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW và Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội:
Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước. Bên cạnh đó tôi nhận thấy có nhiều vấn đề liên quan, khó khăn trong phát triển văn hóa nhưng không chỉ đúng đối văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy tôi mong muốn rằng một số chính sách giải pháp đặc thù vượt trội trong phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các cái thiết chế, hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang:
Tôi bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đánh giá đây là Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội một cách rất chất lượng. Với các cơ chế, chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi tin rằng Thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá. Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho Thủ đô, mà những cơ chính sách khi nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy được những bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình có thể vận dụng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam:
Tôi xin bày tỏ sự đồng tình, tán thành cao với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này và với tất cả bằng tất cả niềm tin và hy vọng, tôi nghĩ rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá, vượt lên trở thành một Thủ đô tầm cỡ của khu vực và thế giới.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội:
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi nhận thấy ban soạn thảo đã rất cầu thị, lắng nghe và tích cực tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật. Vì thế hôm nay đã có một bản Dự thảo Luật tốt hơn tốt hơn. Tôi bày tỏ sự nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ quốc hội.
Tôi nhất trí với quy định cho phép chính quyền thành phố Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập cơ sở giáo dục chất lượng cao, vì việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục Thủ đô và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”.
Phát biểu Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trong thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội khóa XV - Kỳ họp thứ 7 để xem xét cho ý kiến hoàn chỉnh Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này./.