Kiến trúc - Quy hoạch

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): “Đánh thức” không gian ngầm Hà Nội

Trung Kiên 28/05/2024 07:27

Quản lý, sử dụng không gian ngầm là một nội dung mới của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), với những phương án cụ thể nhằm đưa Hà Nội đi đúng và trúng quan điểm của Trung ương đặt ra, đó là phát triển Thủ đô Hà Nội: Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, “Thành phố Sáng tạo”...

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Đối với Hà Nội, Thủ đô có nhiều thuận lợi, đặc biệt là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt “Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022).

ham-levanluong.jpg
Hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Đây là công trình giao thông ngầm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3.

Mặc dù vậy, thực tế chứng minh, Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển không gian ngầm nhằm chia sẻ “gánh nặng” với hạ tầng mặt đất do nhiều yếu tố. Trong đó nổi bật là điều kiện dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn thiếu; thể chế, chính sách, pháp luật về khai thác phát triển không gian ngầm, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch chưa đầy đủ; thiếu các hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn quy hoạch không gian ngầm, các quy định sở, ban ngành liên quan...

Chiều ngày 28/5/2024 tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV sẽ thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Tại Kỳ họp này trên cơ sở Dự thảo Luật (sửa đổi) đã được chỉnh lý, bổ sung theo góp ý của Đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Xác định việc quy hoạch không gian ngầm có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng không gian, đáp ứng các nhu cầu công năng của Thành phố trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xây dựng Điều khoản về “Quản lý, sử dụng không gian ngầm” (Chương III “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô) với các nội dung về phát triển, khai thác không gian ngầm thể hiện tầm nhìn mới nhằm cụ thể hóa mục tiêu, định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về “Quản lý, sử dụng không gian ngầm” quy định việc quản lý, sử dụng không gian ngầm đô thị phải tuân theo các nguyên tắc: Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Việc xây dựng công trình ngầm phải thực hiện theo dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; Trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về quản lý, sử dụng không gian ngầm:

Phương án 1: Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội chỉ được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15 mét vào lòng đất. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu 15 mét phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu 15 mét để xây dựng công trình ngầm đô thị (bao gồm cả phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) phải trả tiền sử dụng không gian ngầm. Trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị không nhằm mục đích kinh doanh thì được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm.

Phương án 2: Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về không gian ngầm đang quy định không giới hạn trong phạm vi xây dựng công trình. Điều đó có nghĩa khu nhà này, không gian ngầm có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những “thành phố ngầm” trong lòng thành phố. GS.TS Hoàng Văn Cường rất kỳ vọng vào việc khai thác không gian ngầm của Thủ đô trong tương lai.

GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kì 2024 - 2029

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm đô thị (bao gồm cả phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) phải trả tiền sử dụng không gian ngầm. Trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị không nhằm mục đích kinh doanh thì được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm.

Cả 2 phương án trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép sử dụng lòng đất, thu tiền sử dụng không gian ngầm quy định tại khoản này. Đồng thời, Chính phủ quy định chi tiết việc đầu tư xây dựng công trình trong không gian ngầm dùng chung hoặc không gian ngầm khu vực giao thông công cộng (TOD) căn cứ vào quy hoạch chi tiết. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện sự phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội khi UBND Thành phố ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.

Nhìn từ thực tế, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với phương án quản lý, sử dụng không gian ngầm nói trên đã tạo cơ sở pháp lý cho Thành phố Hà Nội trong việc chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm hiệu quả, đồng thời minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất và triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Những phương án này rõ ràng đã “đánh thức” không gian ngầm Hà Nội để phát triển Thủ đô ngày một hiện đại, ngang tầm với các Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới./.

Quyết định số 913/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 15/3/2022 về việc Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm – Thành phố Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ 1/10.000, đây là cơ sở quan trọng cho Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố.

Theo Quyết định số 913/QĐ-UBND, khu phố cổ Hà Nội sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm. Các hoạt động xây dựng, khai thác không gian ngầm sẽ bị cấm tại Khu vực bảo vệ I các công trình, khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị trung tâm, gồm: Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Khu Cổ Loa; Khu đền Hai Bà Trưng; Khu hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.

Trung Kiên