Sự kiện & Bình luận

Quốc hội khóa XV thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào thứ ba tuần này

Văn Thiện 10:08 27/05/2024

Hôm nay, 27/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc thứ hai, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Thứ ba, ngày 28-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

0200-img-2019022808424820231109192716.jpg

Trong tuần làm việc từ ngày 27/5-31/5, liên quan đến công tác lập pháp, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về nhiều dự thảo luật quan trọng. Trong đó, Quốc hội dành cả ngày thứ Hai (27/5) để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác khau của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đáng chú ý, thứ ba, ngày 28-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật sẽ phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo dự thảo Luật trình các đại biểu, Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 53 điều. Dự thảo Luật quy định rõ Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Về áp dụng Luật Thủ đô, Điều 4 Dự thảo Luật quy định rõ:

1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm, thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thử nghiệm có kiểm soát...

Thứ tư, ngày 29-5, Quốc hội thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Thứ năm, ngày 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe một số báo cáo quan trọng về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Sau đó, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thứ sáu, ngày 31-5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022./.

Văn Thiện