Độc đáo ngôi làng dùng “mật ngữ” để giữ nghề thầy cúng
Một làng ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có ngôn ngữ riêng mà chỉ truyền lại cho nhau trong làng và thường gọi là “mật ngữ” với từ “vợ” gọi là “Nghéo”.
Làng Phú Hải sau khi sáp nhập gọi là thôn Phương Hải nằm ở vị trí giao thoa giữa đồi cát và cánh đồng thuộc xã Hải Ba tương truyền được một vị từ Thanh Hóa vào khai canh lập nghiệp và đến nay đã hơn 500 năm. Ban đầu, diện tích của làng nhỏ hẹp nên người dân nơi đây sinh sống nhờ vào nghề chăm lo “cõi âm” nổi tiếng là làm hàng mã, thầy cúng và đánh bát âm cổ nhạc (chuyên phục vụ trống kèn tại các đám ma, đám giỗ...), để giữ bí mật cho nghề của mình tồn tại lâu dài thì người dân dùng đến “mật ngữ” riêng để trao đổi, tránh người khác biết và tạo nên nét riêng biệt của người dân Phú Hải.
Giao tiếp hàng ngày của người dân làng Phú Hải ngoài tiếng việt ra còn có một hệ thống ngôn ngữ riêng mà chỉ truyền cho người trong làng. “Hiện nay, nhân dân làng Phú Hải vẫn sử dụng “ngôn ngữ” riêng này để giao tiếp hàng ngày nhưng cũng chưa có tên gọi chính thức cho loại ngôn ngữ này mà thường được gọi là “tiếng lóng” hay “mật ngữ” - ông Hồ Duy Khả (64 tuổi, trú ở thôn Phương Hải, xã Hải Ba, cho biết.
Theo đó, ông Hồ Duy Khả lấy một loạt ví dụ cho phóng viên biết được khi dịch ra tiếng việt như “Sư là Bo, Vợ là Nghéo, Chồng là Phu, Ăn là Khẩu, Uống là Cựa, Đi là Tỏi, Về là Hồi, Con là Sơ, Quán là Xá, Ngủ là Khư, Mưa là Vọ, Cá là Ngư, Chạy là Tẩu… và cho rằng người dân làng Phú Hải dùng mật ngữ để che dấu “bí mật” trong nghề thầy cúng của họ, không chia sẻ cho người ngoài kể cả con dâu.
Ban đầu, hệ thống “mật ngữ” kể trên bí ẩn, khó hiểu… nhưng về cơ bản là những từ được “chế tác” ra trong quá trình “cài cắm” tiếng hán vào giao tiếp hằng ngày của người dân. Trong đó, làng Phú Hải có nghề làm thầy cúng mà để làm được nghề thầy cúng thì phải là người am hiểu, giỏi tiếng hán.
“Những thầy cúng trong làng Phú Hải trong quá trình giao tiếp nói chuyện đều “cài cắm” tiếng hán vào thêm trong tiếng việt và sau này sinh ra hệ thống ngôn ngữ riêng biệt của người dân Phú Hải. Như tiếng Anh phổ biến bây giờ chẳng hạn, thay vì trả lời là được hoặc đúng hay chấp nhận một điều gì đó thì họ nói là “oke”, hay vì nói phông nền sân khấu thì người ta nói “backdrop”, đi chụp ảnh lưu niệm ở một chỗ nào đó thì người ta nói là “đi check - in”…”ông Hồ Duy Khả diễn chia sẻ cho biết.
Trao đổi với PV, ông Khổng Yên – Cán bộ Văn hóa xã hội xã Hải Ba thông tin, cách diễn giải “mật ngữ” của người dân làng Phú Hải của ông Hồ Duy Khả là đúng, chính xác. Hiện nay, người dân Phú Hải vẫn sử dụng “mật ngữ” này và quá trình trao đổi, lưu thông, giao thương giữa người dân Phú Hải với các khu dân cư khác vẫn diễn ra bình thường.
Chủ tịch UBND xã Hải Ba Lê Xuân Trường cho biết, trước đây làng Phú Hải có khoảng 60 hộ nhưng đến năm 2019 đã được sáp nhập và trở thành thôn Phương Hải. Hiện người dân Phú Hải cũ vẫn giữ và duy trì song song tiếng việt và “mật ngữ” trong quá trình sinh sống, giao tiếp, hệ thống ngôn ngữ của người dân Phú Hải với mục đích phục vụ đời sống thường ngày và không làm ảnh hưởng đến quá trình truyền đạt thông tin cũng như công tác quản lý của địa phương./.