Hoạt động hội

Giới thiệu các tích trò cổ trong nghệ thuật múa rối

Khánh Quỳnh 14:43 25/05/2024

Sáng ngày 25/5, tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu về các tích trò cổ trong lĩnh vực nghệ thuật múa rối. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các Sở Ban ngành, Ban chấp hành Hội Liên hiệp cùng đông đảo các văn nghệ sĩ hội viên.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã khẳng định vị trí và vai trò của nghệ thuật trình diễn múa rối đối với đời sống nghệ thuật cũng như văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh: “Múa rối, đặc biệt là múa rồi nước là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc, là sản phẩm nghệ thuật độc đáo thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt, được coi là nét văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Từ những yếu tố dân gian và các tích cổ, múa rối nước đã trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống có đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật của dân tộc, và tiếp tục phát triển qua việc khai thác những tiết mục cổ, dàn dựng những tiết mục mới. Múa rối nước ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế, trở thành cầu nối giữa đại chúng với di sản văn hóa dân tộc.”

786ada15841a24447d0b.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm phát biểu đề dẫn tại tọa đàm.

Với loại hình nghệ thuật múa rối nước, người nghệ nhân không chỉ biểu diễn thông qua hình thể, gương mặt mà còn phải thể hiện qua con rối. Các tiết mục trình diễn múa rối là sự kết hợp công phu giữa sân khấu biểu diễn, âm thanh gồm nhạc điệu và ca từ cùng các con rối nước làm từ chất liệu gỗ được hóa trang tỉ mỉ nối với dây. Bối cảnh sân khấu trong múa rối nước thường tái hiện lại khung cảng làng quê đồng bằng Bắc bộ với làng, ao, hồ... Bằng cách mượn con rối để kể chuyện, diễn ngôn trong múa rối nước thường vui nhộn, hấp dẫn, thể hiện đời sống lao động như các tiết mục “Đánh cáo bắt vịt”, “Đánh bắt cá”, “Câu ếch”, “Chăn trâu thổi sáo”..., thể hiện đời sống sinh hoạt văn hóa, tâm linh như các tiết mục “Múa tiên”, “Múa tứ linh”, “Múa lân”, “Múa rồng”, “Múa phượng”..., thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tinh thần dân tộc như các tiết mục “Lê Lợi du thuyền”, “Rước kiệu”...

855c2e23702cd072893d.jpg
Tiết mục múa rối nước do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn.

Trong khuôn khổ của Tọa đàm còn có phần biểu diễn các tiết mục múa rối cổ truyền của các diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long. Chương trình bao gồm các tiết mục “Mở màn: độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc”, “Tếu giáo trò”, “Bật cờ hội”, “Múa rồng”, “Chăn trâu thổi sáo”, “Nông nghiệp, cấy cầy”, “Câu ếch”, “Đánh cáo bắt vịt”, “Đánh bắt cá”, “Vinh quy bái tổ”, “Nhi đồng hý thủy”, “Múa phượng”, “Lê Lợi du thuyền”, “Đua thuyền”, “Múa lân”, “Múa tiên”, “Múa tứ linh”. Đây đều là các tiết mục được dàn dựng công phu, thể hiện sâu sắc đời sống vật chất và thần của dân cư vùng đồng bằng sông Hồng, mang đậm dấu ấn văn hóa người Việt.

Có thể thấy, loại hình nghệ thuật múa rối nước là trường hợp nghệ thuật tổng hợp tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam, kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật đòi hỏi chuyên môn cao của người nghệ sĩ trình diễn cùng với những yếu tố văn hóa, lịch sử, tinh thần riêng biệt của dân tộc Việt; qua đó có ý nghĩa và giá trị nghiên cứu sâu sắc.

Tọa đàm nằm trong kế hoạch hoạt động chuyên môn hàng năm của Hội, nhằm tìm hiểu, trao đổi để nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật./.

Khánh Quỳnh