Sân khấu

Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay

PGS.TS Trần Trí Trắc 06:11 24/05/2024

Sân khấu là loại hình nghệ thuật mà trong đó con người vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là phương tiện để thực hiện sáng tạo và đồng thời là đối tượng thưởng thức sáng tạo của chính mình.

nhung-nguoi-khon-kho-8421.jpg
Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB)"

Đặc điểm độc đáo của loại hình sân khấu ấy chính là do người nghệ sĩ biểu diễn tạo nên và thông qua đặc điểm đó mà người nghệ sĩ trên sân khấu vừa là họ, lại vừa không phải là họ. Vì nghệ sĩ có cuộc sống, có tính cách và tên tuổi khác. Người nghệ sĩ lên sân khấu đâu phải để diễn về mình, về cuộc đời mình, mà để sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Còn nhân vật được sống ở trên sân khấu đâu phải từ hư vô, mà qua tài năng của nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ trên sân khấu đã “lột xác” mình, để xây dựng hình tượng nhân vật, đã “biến hóa” bản thân mình để trở thành người khác và đã lấy toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, thể xác của mình để làm “phương tiện” sáng tạo ra nhân vật từ chân tơ, kẽ tóc đến hoạt động, tư tưởng, tính cách, tình cảm, số phận con người để khán giả hưởng thụ, khoái cảm… Họ là tác giả của nhân vật. Nhờ có họ, nghệ thuật sân khấu mới thành nghệ thuật sân khấu, mới là phương tiện thực hiện mọi ý tưởng của tác giả, đạo diễn và các thành viên tổng hợp khác. Họ cho nhân vật “mượn” cơ thể, tình cảm của mình để làm “cầu nối” giữa nghệ thuật sân khấu với khán giả, giữa người xem với nhân vật, giữa cuộc đời với nghệ thuật. Họ là trung tâm, là ông Vua, bà Chúa của nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật sân khấu đã mang theo ngôn ngữ hành động của họ thành đặc trưng cơ bản so với các loại hình nghệ thuật khác…

mot-tiet-muc-cua-nha-hat-cheo-ha-noi-tai-cuoc-thi-tai-nang-dien-vien-cheo-tuong-va-dan-ca-kich-toan-quoc.jpg
Một tiết mục của Nhà hát Chèo Hà Nội tại cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc

Nghệ sĩ trên sân khấu sáng tạo phụ thuộc vào tác giả kịch bản, bị giới hạn trong nhân vật cụ thể, theo phong cách thể tài nhất định, đồng thời còn phụ thuộc vào ý đồ của đạo diễn, khả năng của bạn diễn và trình độ cảm thụ thẩm mĩ của khán giả… Nhưng tất cả những giới hạn đó đều được tài năng của nghệ sĩ hóa giải để thành chủ thể sáng tạo tự do, cảm hứng và mỗi lần diễn là mỗi lần “lột xác”, mỗi lần đóng vai là mỗi lần đổi mới mình để chiếm lĩnh khán giả, làm khán giả hứng thú, nhập cuộc, say mê.

Nghệ thuật sân khấu không thể thiếu nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ tài năng. Nghệ sĩ trẻ tài năng là nghệ sĩ có năng khiếu trời cho và thầy cho. Trời không cho năng khiếu bẩm sinh, thầy không cho kỹ nghệ thể hiện năng khiếu thì không có nghệ sĩ trẻ tài năng nào cả, tức là, không có đủ thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần thì chỉ là “con rối” mà thôi. Nghệ sĩ tài năng trẻ là hoa thơm, quả ngọt của nghệ thuật sân khấu và cây đại thụ sân khấu không thể thiếu hoa thơm, quả ngọt ấy.

mot-trich-doan-trong-vo-cheo-trung-trinh-liet-nu.jpg
Một trích đoạn trong vở chèo “Trung trinh liệt nữ”

Lịch sử sân khấu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, trong tất cả các thể loại, đã chứng minh cho chân lý đó và nhờ chân lý đó mà nghệ thuật sân khấu đã trường tồn trong lòng khán giả, đã sống sinh động cho tới hôm nay với hàng trăm con người lẫy lừng bằng danh hiệu NSND, NSƯT…

Việt Nam bước vào cơ chế thị trường, nghệ sĩ trẻ tài năng của nghệ thuật sân khấu đã ngày một ít đi, yếu đi. Chứng minh cho hiện tượng này, ta thấy, tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo, tuồng, kịch dân ca, cải lương, múa rối và kịch nói toàn quốc năm 2023, Chèo có 73 diễn viên tham gia đến từ 14 đơn vị với 63 trích đoạn mà kết quả chỉ có 17 nghệ sĩ đạt giải Nhất, hoặc Kịch chỉ có 7 giải Nhất, Múa rối có 2 giải Nhất, Cải lương có 7 giải Nhất… Số trẻ tài năng đó, so với toàn bộ lực lượng nghệ sĩ của cả nước thì quá ít. Trong đó, các nghệ sĩ của Hà Nội chỉ có 3 nghệ sĩ đạt giải Nhất ở 3 thể loại Chèo, Múa rối và Kịch, còn ở Cải lương thì không có. Vì vậy, nghệ thuật sân khấu Việt Nam và Hà Nội hôm nay đang “cũ, già” và thiếu thanh xuân, tươi trẻ, đã khó lôi kéo khán giả đến với mình bằng hoa thơm, quả ngọt của mình.

Nguyên nhân của hiện tượng này, trước hết, lớp trẻ có năng khiếu nghệ thuật biểu diễn đã không đam mê với nghệ thuật biểu diễn, đã không nộp hồ sơ dự thi vào các trường đào tạo chuyên nghiệp nữa, và không ít nghệ sĩ tài năng sân khấu, sau khi ra trường đã từ biệt nghề tổ để sang nghề khác kiếm sống, mưu sinh theo đòi hỏi của cơ chế thị trường. Vì, sân khấu bị tối đèn, vắng khán giả, tình yêu và đam mê không nuôi dưỡng được cái sống đời thường mình cần phải có.

Mặt khác, số nghệ sĩ tài năng trẻ còn trụ lại với sân khấu và được Huy chương Vàng trong các hội thi, thì bản lĩnh bền vững trong họ cũng không được đảm bảo tài năng đủ để phát triển rực rỡ thành ngôi sao sáng. Vì, thành quả cuộc thi của họ chỉ là hành động bắt chước thầy dạy với những trích đoạn, vai diễn cũ kĩ, cổ điển, khó vận dụng vào hình tượng con người mới của cuộc sống mới hôm nay, làm xao xuyến khán giả thời đại 4.0, thời đại số của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

cuoc-thi-tai-nang-tai-nang-cheo-tuong-va-dan-ca-kich-toan-quoc-2023.jpg
Cuộc thi Tài năng Tài năng Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023

Nghệ thuật sân khấu không thể thiếu tài năng trẻ, không thể thiếu những ngôi sao nghệ thuật biểu diễn. Tài năng trẻ - ngôi sao rực rỡ của nghệ thuật sân khấu không giống như tài nguyên thiên nhiên ấn giấu trong lòng đất và lúc nào cần thì khai thác được ngay. Ngược lại, đó là con người cụ thể, là tài sản tinh thần có thật hiển nhiên và là vốn quý đặc biệt của quốc gia. Nhưng, dù là tài sản đặc biệt đến đâu, thì họ vẫn là con người, vẫn cần phải ăn, ngủ, hít thở… Do đó, muốn nuôi dưỡng được tài năng trẻ của nghệ thuật biểu diễn sân khấu Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, thì Đảng, Nhà nước cần chăm lo đến đời sống vật chất của họ đặc biệt, để đời sống tinh thần của họ được thăng hoa, làm nền tảng cho sự duy trì, phát triển tài năng trên sân khấu. Không có bầu trời đầy sao sáng thì sân khấu chỉ là đêm “30 Tết” mà thôi!

PGS.TS Trần Trí Trắc