Chuyển động Hà Nội

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Tính đặc thù trong thu hút nhà đầu tư chiến lược giúp Hà Nội vươn tầm

Trung Kiên 21/05/2024 05:44

Thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là mục tiêu xuyên suốt của Thành phố. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các Điều, Khoản thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển Hà Nội.

Luật Thủ đô (sửa đổi) thu hút nhà đầu tư chiến lược ở ngành nghề, lĩnh vực nào?

Theo đó, Điều 42 “Thu hút nhà đầu tư chiến lược” quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý, các dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô gồm dự án trọng điểm (xây dựng đô thị vệ tinh, dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, dự án khu công nghệ cao; xử lý ô nhiễm môi trường sông, hồ).

cong-nghe-cao-hoa-lac.jpg
Phòng thí nghiệm của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội).

Các dự án công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khoản 1, Điều 42 Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch... thuộc diện của nhà đầu tư chiến lược.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: thực hiện dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề, lĩnh vực thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều 42; chứng minh được năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có quy mô vốn tương đương với quy mô dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về việc nội địa hóa, cam kết về thực hiện dự án đầu tư đúng mục tiêu theo danh mục dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tăng quyền đi cùng trách nhiệm của HĐND thành phố Hà Nội

Căn cứ các dự án thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Thủ đô (sửa đổi), nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư. Theo thẩm quyền đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô và với quy mô tổng vốn đầu tư đối với từng loại dự án và ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 42.

hdnd-4.jpeg
Theo thẩm quyền, HĐND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc danh mục dự án, ngành nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô. (Ảnh minh họa).

Đối với dự án đầu tư không thuộc diện phải thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, dự án thuộc diện phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thì việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án quy định tại khoản 1 Điều 42 được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

1. Căn cứ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản 5 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền của thành phố Hà Nội công bố thông tin dự án, yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và điều kiện xác định nhà đầu tư chiến lược trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

2. Căn cứ nội dung thông tin được công bố quy định tại điểm a khoản này, nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm: văn bản đăng ký thực hiện dự án; hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. Hết thời hạn đăng ký thực hiện dự án, cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền của thành phố Hà Nội tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, người có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư quyết định việc tổ chức thực hiện theo một trong các trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản này;

4. Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đã đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì chấp thuận nhà đầu tư đó theo quy định của pháp luật về đầu tư;

5. Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm trong đó chỉ có 01 nhà đầu tư được xác định đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược quy định tại điểm a khoản này thì chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược đó theo quy định của pháp luật về đầu tư;

6. Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó có từ 2 nhà đầu tư trở lên được xác định đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật về đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong số các nhà đầu tư được xác định đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược;

7. UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết danh mục ngành, nghề, lĩnh vực, quy mô vốn đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 42 phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Chính sách ưu đãi đột phá cho nhà đầu tư chiến lược

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã qua chỉnh lý thể hiện, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án quy định tại khoản 1 Điều 42 và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật được hưởng nhiều ưu đãi mang tính đột phá.

Cụ thể, nhà đầu tư chiến lược được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại đối với đối tượng hoặc tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại Thủ đô khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược được hỗ trợ phát triển nhân lực; hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển. Các ưu đãi, hỗ trợ khác do HĐND thành phố Hà Nội quyết định để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược./.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, trong quá trình thực hiện dự án trọng điểm, trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân, các điều kiện khác đối với nhà đầu tư chiến lược và không thực hiện đúng cam kết với thành phố Hà Nội thì nhà đầu tư chiến lược, cá nhân hoặc tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư không được hưởng ưu đãi kể trên./.

Trung Kiên