Văn hóa – Di sản

Thăm di tích núi Bân- nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Cố đô Huế

Hà Oai 19/05/2024 10:45

Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được an táng ở triền núi Bân (phường An Tây, TP Huế) từ năm 1901-1922 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Núi Bân (phường An Tây, TP Huế) cao khoảng 43m nằm ở phía Nam núi Ngự Bình và cách Kinh thành Huế 2km, núi Bân có rất nhiều tên gọi khác nhau theo dân gian và qua từng giai đoạn lịch sử như Đông Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên… đã được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1998. Núi Bân cũng là nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung vào năm 1788 rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc phá tan 29 vạn quân Thanh.

Hiện nay, ở triền phía Tây núi Bân có một Nhà bia tưởng niệm nằm dưới tán các thông cổ thụ và xung quanh là các gốc cây hoa đại trắng là di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) đầu tiên sau khi qua đời năm 1901. Đến năm 1922, chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Thanh đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở Nghệ An.

z5453149361048_d600f3a25e3964efe1641d8b1ceaa211.jpg
Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân (TP Huế).

Để tưởng nhớ công lao của người mẹ sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà bia tưởng niệm và nơi từng an táng bà Hoàng Thị Loan hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Đây là nơi an táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ khi bà mất năm 1901 đến năm 1922. Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là con gái cả của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Kép. Từ nhỏ được cha mẹ bảo ban, dạy dỗ và lớn lên trở thành người con gái thông minh, xinh đẹp, thảo hiền, nết na, hội đủ cả “công, dung, ngôn, hạnh”.

Năm 1881, bà lập gia đình với ông Nguyễn Sinh Sắc là học trò nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ Hoàng Xuân Đường đem về nuôi dưỡng và dạy học. Năm 1884, bà sinh con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh, năm 1888 sinh người con thứ hai Nguyễn Sinh Khiêm, năm 1890 sinh người con thứ ba Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế sinh sống tại ngôi nhà Thành Nội (nay là Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 158 đường Mai Thúc Loan) để ông Nguyễn Sinh Sắc theo học trường Quốc Tử Giám. Cuối năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc được cử đi làm Đề tại trường thi Hương ở Thanh Hóa, cũng cuối năm đó bà Loan sinh người con thứ 4 đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi là bé Xin).

Do cuộc sống vất vả nên sau khi sinh bà lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 33 vào ngày 10/2/1901. Bà Hoàng Thị Loan được an táng ở triền núi Bân (Tam Tầng) và năm 1922 cô Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong thời gian bị quản thúc tại Huế đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An”.

Được biết, Nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được xây dựng năm 1990 ngay trên vị trí huyệt mộ của bà. Theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người.

z5453149359917_35670a3ef3f2938fe54ef4d57c9c6101.jpg
Đương lên Di tích địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan.
z5453149349977_137d14e94a2df3f92c0a4e3ddd039cd9.jpg
Địa điểm từng án táng bà Hoàng Thị Loan là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1881, bà lập gia đình với ông Nguyễn Sinh Sắc và lần lượt sinh được 3 người con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng chồng đưa 2 người con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế sinh sống tại ngôi nhà Thành Nội (nay là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, số 158 đường Mai Thúc Loan, TP Huế). Ngày 10/2/1901, bà lâm bệnh nặng qua đời và được mai táng tại núi Bân, xã Thủy An (nay là phường An Tây, TP Huế).

Hà Oai