Chuyện về công dân Thủ đô ưu tú Vũ Quần Phương

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:08, 11/10/2020

Tôi có 1800 từ để viết về Công dân Vũ Quần Phương của Thủ đô ta. Báo Người Hà Nội đã liên hệ và trao cho tôi vinh dự rất khó khăn này. Cũng là bởi, tôi từng có 8 năm làm việc ở báo Người Hà Nội - tôi là “người nhà”. Nhà thơ Vũ Quần Phương là Tổng Biên tập đầu tiên của tôi trong nghề báo. Từ đó đến giờ, dù đã 1/4 thế kỷ qua rồi, với tôi, nhà thơ Vũ Quần Phương luôn là một người thầy, một người anh lớn. 

Chuyện về công dân Thủ đô ưu tú Vũ Quần Phương
Nhà thơ Vũ Quần Phương vừa được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.

Tôi rất thích nghe “nhà thơ thủ trưởng” Vũ Quần Phương nói chuyện - không phải chuyện làm thơ hoặc bình thơ, dù rằng ông là một nhà thơ nổi tiếng và người bình thơ đông - tây - kim - cổ uy tín cao hiếm có như ai cũng đã biết, mà là chuyện cuộc đời - thủ thỉ và riêng tư. Chuyện thơ chắc tôi sẽ được nghe ông nói vào một dịp nào đó, trong tương lai chăng? Tôi thích nghe ông, vì ông là một người rất chịu khó quan sát cuộc sống, quan sát tỉ mỉ với cái nhìn độc đáo và hài hước. Chính những cuộc chuyện trò không định gì trước, không đầu không cuối với nhà thơ đã giúp cho tôi hiểu thêm về con người công dân nghệ sĩ Vũ Quần Phương.

Tôi nhớ có lần, cách đây cũng đã nhiều năm rồi, đang chuyện gì chẳng biết, đột nhiên ông bảo tôi cái ý thế này: Chúng ta cần xây dựng một xã hội nói thật. Làm sao để cho con người càng thật thà thì càng được hưởng lợi, mới được! Nói rồi ông cười. Tôi lúc ấy chắc cũng cười, mà đã cười thì nhiều khả năng là cười to hơn (bây giờ vẫn thế). Cười vì buồn cười thật đấy, cái lẽ giản đơn và tự nhiên như thế mà thực sự đã và còn đang là vấn đề cực kỳ lớn đối với xã hội ta. Sự giả dối lên ngôi rõ ràng và ngự trị có vẻ vững chắc! Giả từ viên thuốc chữa bệnh, giả cả việc dạy và học cùng các loại bằng cấp, huân huy chương cũng có giả, mộ liệt sĩ giả, thương binh giả… đến phân bón và thuốc trừ sâu cũng giả! Ai cũng thấy thế. Ai cũng biết vậy. Mà giả vẫn hoàn giả… Cũng mất công làm, lại làm giả. Nói thật đỡ tốn “trí tuệ” hơn nói dối. Đơn giản thế mà ở ta đang không phải thế. Buồn cười còn vì: tại sao một chuyện luẩn quẩn quanh ta như thế lại có thể vụt đến mà chen vào buổi chiều êm ả vô sự ấy của ông và của tôi? Xong thì tôi chợt nhớ ra, xâu chuỗi lại: cái tâm sự tưởng như rất nhỏ bé, tưởng như quá đỗi bình thường mà lại rất ý thức con người công dân này nó đeo bám nhà thơ. Không biết ông có để ý không, chứ tôi ngờ rằng đó chính là một lý do không hề nhỏ khiến cho bác sĩ trẻ Vũ Ngọc Chúc (tên khai sinh của nhà thơ) đã bỏ nghề y sang nghề văn với không ít “lận đận”. 

Tôi thực lòng quan tâm đến sự “lận đận trường kỳ” của ông trong môi trường công vụ, từ Đài Tiếng nói Việt Nam qua Nhà xuất bản Văn học rồi chuyển tới Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, làm báo Người Hà Nội rồi về Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi không hỏi, mà ông cũng chẳng khi nào nói với tôi những chuyện như thế. Nhưng mà tôi có quan sát, tôi có lý do của tôi. Ví dụ thế này: thủ trưởng Tổng biên tập báo Người Hà Nội - nhà thơ Vũ Quần Phương, như tôi thấy rõ, là một nhà lãnh đạo - quản lý… chả giống ai ở Việt Nam. Ông chuẩn chỉ, gương mẫu đến lạ, tức là ra sức cố gắng minh bạch, công khai, đúng quy định nhà nước, chi tiết, tỉ mỉ… đến mức có lần ông tự mời Kiểm toán quốc gia về kiểm toán ở cơ quan Hội Văn nghệ Hà Nội. Sau ba ngày làm việc, ông được thủ trưởng kiểm toán mời đến và cho biết: cho đến thời điểm đó, họ chưa từng thấy ở Việt Nam một thủ trưởng cơ quan nào lại tự mời kiểm toán về kiểm toán chính đơn vị mình; hơn nữa đây lại là Hội Văn nghệ, không phải là một cơ quan kinh doanh phức tạp về tài chính. Thủ trưởng kiểm toán thông báo: tặng lại thù lao ba ngày kiểm toán cho Hội Văn nghệ. Như tôi thấy, nói chung, ông không thể thực thi công vụ một cách “uyển chuyển có lợi lâm thời”. Đơn giản vì… ông không thể. Tất nhiên là… vì thế mà cũng lắm rắc rối. Lại một lần khác, qua truyền hình, tôi được nghe Đại biểu Quốc hội Vũ Quần Phương phân tích rất kỹ, rất rõ và vui cái lý do ông phản đối chính sách ưu tiên điểm thi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người vào học ngành y. Ông nói đại ý: Cần ưu tiên, có thể ưu tiên. Nhưng không nên ưu tiên điểm để cho vào học ngành y. Ai sẵn sàng để cho một bác sĩ ăn điểm ưu tiên như thế thực hiện phẫu thuật tim? Đương nhiên là ông nói đúng, đúng là như thế rồi. Nhưng mà… người ta vẫn ưu tiên. Nói đúng là rất cần, rất có lợi lâu dài cho cái chung, thế mà xem ra có vẻ như không có lợi, nhất là không có lợi cho người không thích nói sai. Thật khó khăn quá đỗi…

Tính công dân của ông còn được thể hiện rõ trong các bài báo mà ông đã viết trong mấy chục năm qua.  Đọc những bài báo nhỏ viết về chuyện thường ngày ký tên Vũ Công Dân của ông, tôi biết rõ thêm và càng cảm phục một người luôn quan tâm và dùng ngòi bút của mình để nêu những việc cần làm với mong mỏi Hà Nội ta thêm đẹp, thêm giàu. Toàn những việc cụ thể mà thiết thực:

- Nên lấy lại tên xã Phương Canh (cánh đồng thơm) thay cho tên mới đặt là xã Xuân Phương. Kết quả là bây giờ người ta tách xã này làm hai phường là phường Phương Canh và phường Xuân Phương, nghĩa là tên cũ được lưu lại trên đất đai. 

- Nên cố gắng lưu lại dấu vết của Hà Nội xưa, như giữ lại một mảnh đất của vườn đào Nhật Tân để trồng lại những cây đào cũ và bán đấu giá cành vào dịp Tết cho công dân Hà Nội; như ở Paris họ đã làm với những chai rượu vang từ giống nho xưa trên gò Mông Mác, mà tiền bán rượu còn nhiều hơn là tiền kinh doanh khách sạn.

- Nên dựng những tấm ảnh xưa trên những con phố cổ có nhiều thay đổi, ví dụ: đặt một tấm ảnh cầu Thê Húc khi còn là những tấm ván ngay lối bước lên cầu Thê Húc bây giờ, đặt một tấm ảnh về ngôi chùa của Nguyễn Đăng Giai trên nền nhà Bưu điện hiện nay, ngay cạnh tháp Hòa Phong…

Tôi thấy có việc ông đề đạt thì thành, có việc chưa thành.

Cứ lặng lẽ quan sát thế, rồi tôi tự hỏi: sao ông lại có lắm sáng kiến, luôn đúng đắn, văn minh một cách khổ sở thế nhỉ? Giời sinh ra thế? Chắc rồi. Nhưng chắc đó cũng là cái nét tính cách mà cuộc sống đã rèn nên con người vốn sinh ra ở quê mẹ (Phương Canh, nay là Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội), mồ côi cha rất sớm, lớn lên nơi quê mẹ… nên hẳn luôn phải rạch ròi để mà giữ lấy sự tự trọng: ta là ai, ta ở đâu, cái gì thuộc về ta, cái gì thuộc về người khác? Hay cái cái lối tư duy khoa học, sáng tỏ, đâu ra đấy của nhà thơ đặc biệt này là do ông theo học ngành y mà được tôi luyện  thành? Đơn thuốc và cuộc sống thực tế nào phải là thơ phú chênh chao, chớ có khuyên xằng? Dù ở ta nhiều người không quen sống và làm việc như thế, nhưng tôi trọng cung cách này, tôi thấy nó có lợi cho cái chung tiến bộ. 

Nghệ sĩ công dân Vũ Quần Phương, theo như tôi thấy, ngoài việc làm thơ, nói chuyện thơ miệt mài, viết sách, viết báo… còn có thêm một đóng góp thiết thực cho đất nước, cho Thủ đô: góp phần sinh ra hai công dân trí thức tài năng mới, đặc biệt là Giáo sư Toán học Vũ Hà Văn. Được nghe chuyện nuôi dạy con của nhà thơ, mới hay chao ơi là kỳ công, khoa học và tỉ mỉ: nào là ghi nhật ký để theo dõi sự phát triển từng ngày của các con, phát hiện những mối quan tâm của chúng từ ấu thơ, lắng nghe những nhận xét của mẹ nó, tìm thầy giỏi nhé chứ không phải chọn trường là chính đâu, rồi thì đưa đón hàng ngày. Nghĩa là nhà thơ đã phải giữ kỷ luật trước hết với chính mình, phải lược bỏ những rượu bia, tụ tập - một việc vốn không dễ dàng với những người làm văn nghệ. Giữ lời hứa, nói lời nhất định phải giữ lời, dù là với con! Và ông đọc cho tôi nghe một bài thơ ngắn: “Lỡ: Bố hứa bắt cho con con ve / Ve chưa kịp bắt đã qua hè/ Mùa sau con lớn chơi trò khác / Bố một mình bên cây lắng nghe”.

Hóa ra cái lối tư duy khoa học, cái sự tỉ mỉ hiếm thấy của nhà thơ mà tôi đề cập đến ở trên kia cũng chính là điều kiện cần để có thêm đóng góp quan trọng này. 

Với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chỉ có thể viết được chừng ấy về ông - Nhà thơ Công dân Vũ Quần Phương. Với tôi, Hà Nội vẫn đẹp lên hi vọng với những người trí thức, nghệ sĩ, nhà thơ như ông vậy. 

Hoàng Xuân Tuyền