Nhịp sống Hà Nội

“Du ca” làng nghề dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá

Quỳnh Chi 16/05/2024 10:55

Đến với làng nghề dệt tơ tằm Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), du khách được tìm hiểu về nghề dệt lụa truyền thống vùng ngoại ô Thủ đô, nơi từng được mệnh danh “thủ phủ dâu tằm” miền Bắc.

Làng nghề dệt Phùng Xá là 1 trong 3 điểm của tour du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” cùng với làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), đình Bình Đà (huyện Thanh Oai) vừa được Sở Du lịch Hà Nội công bố, đưa vào khai thác.

tam-2-ok.jpg
Trong nhiều làng nghề dệt tơ tằm truyền thống của Thủ đô, Phùng Xá được coi là cái nôi của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa với truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa, người có công truyền dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm cho nhân dân. Người dân Phùng Xá từ xưa đến nay cho tằm ăn với lá dâu tươi, thái theo sợi.

Giai đoạn thịnh vượng nhất của làng nghề Phùng Xá vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Nơi đây từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Những sản phẩm lụa tơ tằm tại Phùng Xá được làm thủ công, đa dạng màu sắc, tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn, với trí tuệ của người thợ dệt. Trải qua thời gian, nghề dệt tơ tằm vẫn được một số hộ gia đình, các nghệ nhân của làng Phùng Xá gìn giữ, phát triển.

u36a0019.jpg
Tơ tằm làng Phùng Xá nói riêng trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm nghề phải rất chăm chỉ, kiên nhẫn...Từ việc túc trực nấu kén...
u36a0030.jpg
đến kéo sợi...
u36a0035.jpg
se tơ...
u36a0101.jpg
guồng tơ.
tam-3ok.jpg
Nghệ nhân Phan Thị Thuận theo đuổi nghề từ bé. Năm 2017, nữ nghệ nhân nổi tiếng nhất ở làng nghề Phùng Xá là người đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen rất độc đáo.

Nếu như tơ tằm được rút ra từ ruột con tằm, sau đó cho sợi tơ vào máy ươm, nhờ động lực của máy tơ sẽ se vào nhau, thì sợi tơ sen khi dệt hết sức nhẹ nhàng, tạo cảm giác sợi tơ rất mảnh mai, phải nương tựa vào nhau. Khi dệt tơ sen phải đặc biệt chú trọng, từ kết cấu máy dệt làm sao để thật phù hợp.

u36a0076.jpg
Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày chỉ làm được 200 - 250 cuống sen. Tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, làng nghề Phùng Xá bước vào cao điểm làm tơ sen.
u36a0073.jpg
Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Mỗi thân sen sẽ làm ra sợi tơ dài khoảng 100cm.
u36a0098.jpg
Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút lại và sợi sẽ hỏng hoàn toàn.
u36a0006.jpg
Người thợ bên khung cửi dệt lụa tơ sen, vẫn với các công đoạn thủ công truyền thống.
u36a0039.jpg
Sau quá trình tách sợi và làm sạch, tơ được người làm nghề Phùng Xá đưa vào các guồng quay để tạo thành từng bó rồi đem phơi khô.
u36a0100.jpg
Những bó tơ tằm vàng óng bên khung cửi hoa văn bình gốm cổ tại xưởng sản xuất tơ tằm gia đình nghệ nhân Phan Thị Thuận.
u36a0116.jpg
Những chiếc khăn quàng dệt từ sợi tơ sen do thợ làng nghề Phùng Xá khéo léo làm nên.
sen2.jpg
Thậm chí người thợ làng Phùng Xá còn dệt nên những tác phẩm nghệ thuật dùng để trang trí, trưng bày, quà lưu niệm... Các sản phẩm của làng nghề hiện nay không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu đến những thị trường lớn như Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út...
to-78.jpg
Cách xa trung tâm Thành phố Hà Nội hơn 40km, tuy nhiên thời gian qua không ít du khách đến tham quan và trải nghiệm các công đoạn sản xuất tơ tằm, tơ sen tại làng nghề Phùng Xá.
senkhach.jpg
Với việc vừa được Sở Du lịch Hà Nội chọn là 1 điểm trong tour du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” kết nối nội đô với khu vực ngoại thành, làng nghề Phùng Xá hứa hẹn sẽ là điểm đến của nhiều du khách muốn tìm hiểu, khám phá về một trong những vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” của miền Bắc một thời. Việc nằm trong tuyến du lịch cũng góp phần đánh thức tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống Hà Nội nói chung, Phùng Xá nói riêng./.

Quỳnh Chi