Một ngày với Hồ Tây
10 giờ đêm, nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ: “Hò hẹn mãi cuối cùng em chẳng đến/Chỉ sợ ngày xuân vội vã đi rồi. Xin lỗi phải nhại thơ Hoàng Nhuận Cầm để chuyển tải hết những mong ngóng của anh. Mai là chủ nhật, có rảnh để về Hà Nội với anh không?”. Tôi phì cười. Hò hẹn từ đầu năm sẽ lên thăm anh, nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch một vòng Thủ đô, vậy mà gần 6 tháng trôi qua, lời hẹn vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nhìn lịch, nhắn cho anh: “Mai em rảnh, em lên nhé!”. Ngay lập tức anh trả lời: “OK nhé, anh đợi em!”.
Hải Phòng cách Hà Nội hơn trăm cây số với gần 3 tiếng ngồi tàu. Đi ô tô khách hoặc tự lái xe riêng sẽ nhanh hơn, nhưng lần nào về Hà Nội, tôi cũng chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Tàu hỏa bây giờ sạch sẽ và hiện đại lắm, không bẩn thỉu, nhếch nhác, nhộn nhạo như những chuyến tàu chợ của mấy chục năm về trước. Các toa tàu được trang bị ghế mềm, điều hòa, có wifi, thức ăn nước uống như một nhà ga thu nhỏ. Hình ảnh những dãy ghế bằng gỗ cũ kỹ, tiếng bánh răng cọt kẹt nghiến vào đường sắt, mùi tàu sộc lên khó thở… chỉ còn trong ký ức xa xôi.
Tôi chọn điểm đến là Ga Long Biên. Vừa xuống bậc thang cuối cùng của lối lên tàu, đã thấy anh chờ sẵn. Bao năm không gặp, anh già đi chút, phát tướng chút, nhưng vẻ thanh lịch và nhã nhặn của người Hà Nội gốc thì vẫn thế, không lẫn vào đâu được.
Chúng tôi quyết định sẽ dạo một vòng Hồ Tây. Anh chạy xe chầm chậm trên đường Thanh Niên, con đường mà theo anh thì lãng mạn và thơ mộng bậc nhất Thủ đô. Nhìn ra mặt hồ mênh mông, tôi khe khẽ hát: “Hồ Tây chiều thu/Mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/Màu sương thương nhớ/Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Giọng anh chùng xuống: “Một ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đúng là nhắc đến Hồ Tây, không thể không nhắc đến Sâm Cầm. Sâm Cầm là một loại chim trời quý hiếm, di cư theo mùa. Chúng từ phương Bắc bay về, ở lại Hồ Tây kiếm ăn trong suốt mùa đông. Khi những giọt nắng hè đầu tiên cựa mình rớt xuống, chúng mới cùng đàn bay về phương Bắc. Sâm Cầm từng là niềm tự hào của người Hà Nội. Nhưng giờ, dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, săn bắn vô tội vạ nên không riêng Sâm Cầm mà những loài chim thường về trú ngụ ở thủ đô cũng đã dần thưa thớt. Hình ảnh hàng nghìn con sâm cầm sà xuống bơi lội rợp bóng mặt nước Hồ Tây mãi chỉ còn trong hoài niệm”. Tôi lặng người đi. Thủ đô của chúng ta đang dần đánh mất những nét đẹp hiếm hoi, những giá trị tinh thần lớn lao mà lẽ ra rất cần được bảo tồn, trân quý.
Tôi hạ cửa kính xe. Gió từ hai con hồ nổi tiếng của Hà Nội thổi vào mát rượi. Anh bảo con đường Thanh Niên này trước kia là lòng Hồ Tây. Hồ Tây của xa xưa rộng lắm, rộng gấp nhiều lần bây giờ. Hồ Trúc Bạch cũng chính là một phần của Hồ Tây. Từ thế kỉ XVII, khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam Hồ Tây để nuôi bắt cá thì hồ Trúc Bạch trở thành một hồ biệt lập và đi vào thư tịch cổ. Sở dĩ có tên Trúc Bạch vì ở phía nam hồ có làng Trúc Yên chuyên nghề làm mành trúc, sau lại có thêm nghề dệt lụa. Tiếng Hán gọi lụa là bạch, Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc, hồ nằm trên đất làng nên có tên gọi ấy.
Trên hồ Trúc Bạch có những dấu ấn lịch sử đáng nhớ mà không vùng hồ nào có được. Ấy là vào ngày 26/10/1967, Thiếu tá phi công John McCain khi thực hiện nhiệm vụ tấn công nhà máy điện Hà Nội đã bị tên lửa phòng không bắn rơi, phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Viên Thiếu tá gãy cả hai tay và một chân, gần như chết đuối, nhưng nhờ sự cứu giúp của quân dân Việt Nam, ông ta thoát chết. John McCain trở thành tù binh chiến tranh trong hơn 5 năm. Khi được trả tự do vào năm 1973 sau Hiệp định Paris, ông về nước, là một trong những chính khách Mỹ có công ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Để ghi dấu sự kiện này, bên hồ Trúc Bạch có một bức phù điêu nhỏ mô phỏng hình ảnh John McCain bị rơi xuống hồ như một chiến công của quân dân Hà Nội. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam đã cùng đoàn tháp tùng tới đặt hoa tại bức phù điêu này, bày tỏ lòng kính trọng với cố Thượng nghị sĩ John McCain, người bạn tốt của ông lúc sinh thời.
Anh bạn tôi sinh ra ở Hà Nội, ngay giữa làng hoa Ngọc Hà rực rỡ sắc hương. Thời phổ thông, anh học trường Chu Văn An (còn gọi là trường Bưởi, trường Chu), một trong những trường phổ thông được cho là lâu đời và giàu truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Khuôn viên trường rất rộng và nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Anh kể cho tôi nghe có năm người đặc biệt đã từng chơi bóng trên sân vận động trường anh khi họ là học sinh trường Bưởi, đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Anh hùng lao động - Giáo sư Tôn Thất Tùng; cầu thủ Tí Bồ (tên thật Nguyễn Văn Thành - cố cầu thủ nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên của bóng đá Việt Nam thập niên 30 đến 50 của thế kỷ XX); “đôi chân ma thuật” Nguyễn Thế Anh (Ba Đen) và em trai ông là Nguyễn Cao Cường - một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Trước đây, sân vận động chỉ dành cho bóng đá, nhưng nay đã được tu sửa thành 3 sân cỏ nhân tạo và 1 sân quần vợt, 1 sân bóng rổ. Sân cỏ sau nhà A cũng được xây thành sân bê tông dành cho môn bóng rổ.
Gần về trưa, trời bắt đầu nắng nóng. Tôi thấy khát nước nên anh dừng xe ở một quán ven hồ. Quán đẹp và lãng mạn. Chúng tôi chọn góc ngồi dưới những tán cây lòa xòa, định bụng sẽ vừa nhâm nhi cafe, vừa trò chuyện và ngắm mặt hồ long lanh như dát bạc. Nhưng thật hài hước, cafe vừa mang ra, chưa kịp ngồi ấm chỗ thì tiếng loa từ công an phường nhắc nhở: “Đề nghị xe ô tô mang biển số 30A-440… nhanh chóng di chuyển khỏi vị trí đang đỗ”. Là xe của anh bạn tôi. Anh bảo tôi ngồi đợi để anh đỗ xe sang một vị trí khác. 10 phút sau mới thấy anh gọi điện: “Loanh quanh mãi nhưng không tìm được chỗ đỗ xe em ạ. Em mang đồ uống ra đây, mình vừa đi vừa uống”. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình huống hài hước này. Anh cười méo xệch: “Ở Hà Nội, đậu đỗ xe thực sự là một vấn nạn. Ăn bát phở 50 ngàn thì đỗ xe hết 30 ngàn. Nhưng thế còn may mắn, bởi có những người muốn ăn cũng không tìm được chỗ đỗ xe để vào ăn". Hải Phòng quê tôi là thành phố đứng thứ ba cả nước, họa hoằn lắm mới xảy ra tắc đường và chưa đến mức phải bỏ một bát phở ngon, một góc ngồi đẹp chỉ vì không có chỗ đậu xe. Chẳng biết trong tương lai không xa, khi lượng xe tăng dần theo cấp số nhân, Hải Phòng có gặp vẫn nạn về đậu đỗ xe như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã gặp?
Trên đường xuống Phủ Tây Hồ, chúng tôi nói nhiều về quy hoạch đô thị. Anh chỉ cho tôi xem trong các nhà hàng, rất nhiều người vừa nhâm nhi ly nước, vừa chuyện trò vui vẻ. “Đấy, em ạ. Người ta đến đây không chỉ với nhu cầu giải khát. Họ sẵn sàng uống một ly café giá cao, bởi cái họ mua không phải café mà là mua chỗ ngồi, mua một buổi, một ngày được nghỉ ngơi, thư giãn, tụ tập bạn bè tán gẫu, thậm chí là ngồi làm việc ở không gian thơ mộng và mát mẻ này. Vì vậy, cần đầu tư cơ sở vật chất thật tốt cho quán, có chỗ đỗ xe an toàn để thực khách yên tâm tận hưởng. Điều ấy, rất tiếc ta chưa làm được, em ạ.”.
Buổi trưa, anh đãi tôi bánh tôm và bún ốc, hai món đặc sản của Hồ Tây. Anh hỏi: “Em có biết bánh tôm ở đây khác bánh tôm nơi khác thế nào không?”. “Úi, làm sao mà em biết được. Em là đứa vụng nấu nướng, chỉ biết ăn ngon hay không ngon mà thôi.” Anh trầm ngâm: “Con tôm Hồ Tây vỏ mỏng, mềm, rất ngọt và chắc thịt. Tôm được chiên giòn bằng mỡ lợn chứ không chiên dầu. Bột làm bánh bằng gạo dẻo thơm, không phải loại gạo năng suất. Thời bao cấp, mỗi lần mua được mẻ tôm Hồ Tây, mẹ anh lại làm bánh tôm đãi cả nhà. Ngày ấy, có được bữa bánh tôm sao mà ngon và quý đến thế! Cái cảm giác ngon, quý ấy theo anh mãi đến bây giờ, không sao quên được.”
Tôi nhấp một ngụm bia Trúc Bạch, thưởng thức miếng bánh tôm nóng giòn đẫm nước chấm chua cay mặn ngọt, thư thái ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng, chợt thấy cuộc sống bình yên và hạnh phúc biết bao. Tại sao phải chiến tranh? Tại sao phải đố kỵ, bon chen và sát phạt nhau bằng những lời nói có độ sát thương cao hơn giáo mác? Tôi chợt ước giá như trước khi tấn công nhà máy Điện Hà Nội, John McCain đến đây, chọn một góc ngồi thật đẹp nhìn ra Hồ Tây, ăn bánh tôm, uống bia Trúc Bạch và thưởng thức cái mát lạnh mơn man từ gió hồ lồng lộng...
Ngoài kia, nắng xiên qua kẽ lá, chiếu lên mặt đất những hình thù ngộ nghĩnh. Chúng tôi còn buổi chiều để tham quan phủ Tây Hồ, nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đồng hành cùng người yêu Hà Nội và có kiến thức dầy dặn về những tầng vỉa văn hóa lâu đời của Hà Nội như anh bạn tôi, tôi tin điều thú vị còn đang phía trước...
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Ánh Nguyệt. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |