Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Hà Nội tự hào và noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Quỳnh Phạm 05:42 11/05/2024

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tại cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng” diễn ra chiều ngày 10/5 tại Huyện ủy – UBND huyện Đông Anh (TP. Hà Nội). Hội thảo là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024).

“Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; trưởng thành từ phong trào quần chúng ở cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến cấp lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, cho biết.

bac-tung-3.jpg

Đồng chí Đào Duy Tùng cả đời cống hiến, gắn bó với công tác xây dựng Đảng, đồng chí đã góp nhiều công sức cho các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng - lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng. Tự hào và noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội quyết tâm, phấn đấu xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Thứ nhất, Đảng bộ Thành phố tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Điểm nổi bật trong mục tiêu phát triển mới của Hà Nội là: Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quyết sách lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đặt vào nhiệm vụ trọng tâm trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố, trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Hà Nội. Những năm tới cần tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ “lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp”.

Tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời có chế tài để ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội. Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động văn hóa - xã hội mang tính chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

img_4568.jpeg
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội tự hào và noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Liên tục nhiều khóa liền, Đảng bộ Thành phố Hà Nội có những Chương trình công tác toàn khóa dành cho nhiệm vụ xây dựng con người: Chương trình số 05-CTr/TU (khóa XIII); Chương trình 08-CTr/TU (khóa XIV); Chương trình 04-CTr/TU (khóa XV); Chương trình 06-CTr/TU (khóa XVII). Tuyên truyền, khen thưởng những gia đình có truyền thống văn hóa, hiếu học ở Thủ đô. Xây dựng môi trường văn hóa phải đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục con người ứng xử văn hóa.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Xây dựng Thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại”… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là một thời cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển của Thủ đô. Để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi đúng hướng, bớt đi những rủi ro không đáng có, không làm đảo lộn nhiều lĩnh vực trong sản xuất, sinh hoạt đến lĩnh vực văn hóa tinh thần, thì việc tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại” là cực kỳ quan trọng, không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực mạnh mẽ phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân ở nước ta, ý thức, quyền cá nhân và quyền công dân sẽ làm tăng vai trò điều chỉnh của đường lối, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chủ trương, quyết sách của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đối với xây dựng Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”. Xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch vững mạnh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giữ vững trật tự, kỷ cương phép nước; hoàn chỉnh và thực hiện chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước; xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội; bảo vệ và chấn hưng nền văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng con người mới… để từ đó tạo lập cơ sở ổn định cho xu hướng vận động, phát triển các giá trị “Văn hiến - văn minh - hiện đại” trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Thứ năm, mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, mở rộng địa bàn giao lưu và hợp tác văn hóa quốc tế. Mở rộng và tăng cường công tác thông tin đối ngoại theo hướng nâng cao bản lĩnh chính trị. Củng cố, tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa làm cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình ở nước ta, nhất là trên địa bàn Thủ đô. Kiên quyết khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, hữu khuynh, tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống các thủ đoạn diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đồng thời chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (1924-2024), nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận có uy tín lớn của Đảng – người in đậm dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô Hà Nội. Với hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội luôn khắc ghi hình ảnh đồng chí Đào Duy Tùng bình dị, gần gũi, thân thương, là nguồn động lực to lớn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội trên đường đổi mới xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh./.

Quỳnh Phạm