Hoạt động hội

Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm: Những câu thơ viết đợi mặt trời

Khánh Quỳnh 15:55 10/05/2024

Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm "Những câu thơ viết đợi mặt trời" nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhà thơ. Tới dự buổi sinh hoạt hôm nay có đại diện ban chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội. Ông đã sáng tác nhiều tập thơ xuất sắc như “Thơ tuổi hai mươi” (1974), “Những câu thơ viết đợi mặt trời” (1983), “Xúc xắc mùa thu(1992)… và nhận được nhiều giải thưởng uy tín của Nhà nước về văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn Việt nam, báo Văn nghệ. Bên cạnh tư cách một nhà thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn được biết tới vai trò diễn viên, biên kịch và gặt hái nhiều thành tựu.

z5426608659811_b9dc34acd7c5c5cdbf36fe2b012adf6a.jpg
Buổi sinh hoạt có sự tham gia của đông đảo nhà thơ, hội viên.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định trong bài phát biểu mở đầu buổi chuyên đề: “Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ tài hoa nhất trong số các nhà thơ tài hoa, đậm chất Hà Nội nhất trong các nhà thơ của Hà Nội và giàu phẩm chất thi sĩ nhất trong các nhà thơ cùng thế hệ anh cũng như được nhiều độc giả yêu mến.” Nhà thơ bày tỏ đây sẽ là dịp để tưởng nhớ, ôn lại những kỷ niệm với cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đồng thời chia sẻ, đọc thơ của ông.

Các bài thơ được chọn đọc trong buổi sinh hoạt này đều là những tác phẩm xuất sắc gắn với từng thời kỳ thăng trầm của Hoàng Nhuận Cầm như: “Một mai”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Thêm một vì sao”, “Vô cùng”… Các tác phẩm đều cho thấy tầm vóc và chất suy tưởng mãnh liệt. Nhà thơ Lê Anh Phong nhận xét thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa quyết liệt, cháy bỏng đồng thời cũng ưu tư, cô đơn, nỗi buồn và thấp thoáng dự cảm hiện sinh. Đó là thứ thơ được cộng hưởng từ những tình thế con người và tình thế thi ca khác nhau, khi thì yếu mềm, khi thì cứng cỏi để đi tìm hành trình thân phận.

z5427199649862_13631624a8378140060ce8651136b3f6(1).jpg
Nhà thơ Lê Anh Phong phát biểu tại buổi chuyên đề.

Điểm thú vị là các bài thơ được đọc diễn cảm đều được đệm nhạc, làm nổi bật giai điệu trong chất thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bộc bạch “Thơ Hoàng Nhuận Cầm là những giai điệu của âm nhạc tâm hồn với những xúc cảm mạnh mẽ nhất của trái tim nhà thơ, nhạc điệu trữ tình trong thơ anh đã làm mê đắm hàng vạn đọc giả. Và dù thế nào, thơ vẫn cứ phải thánh thót nhạc điệu như ru, như vỗ về để đánh thức người nghe, người đọc.”

Cùng trong dòng cảm xúc này, nhà thơ Đỗ Anh Vũ – người bạn, người đồng nghiệp rất thân thiết của cố nhà thơ đã chia sẻ thêm những câu chuyện về mối quan hệ giữa Hoàng Nhuận Cầm và âm nhạc. Anh cho hay, tuy thơ Hoàng Nhuận Cầm có tính nhạc điệu rất cao nhưng số lượng tác phẩm được phổ nhạc không lớn, trong số đó có nhiều tác phẩm hiếm ai biết là do cố nhà thơ đã viết lời, điển hình phải kể đến “Điệp khúc tình yêu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Nhà thơ Đỗ Anh Vũ cũng đã trình bày ca khúc như một sư tri ân đến những đóng góp thầm lặng của Hoàng Nhuận Cầm.

z5426608630330_ed4122f653f1df31cc4ba776fbdeee66.jpg
Nhà thơ Đỗ Anh Vũ đệm đàn trong lúc nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc thơ.

Bên cạnh đó, buổi sinh hoạt còn có thêm những chia sẻ của các nhà thơ khác như Nguyễn Thị Mai, Vũ Nho, Bùi Văn Kha… mang đến nhiều câu chuyện, góc nhìn về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Nhuận Cầm. Đó là những ký ức khó phai về một con người đam mê, kính nghiệp quên ăn quên ngủ vì thơ, một con người từng thốt lên với bạn mình rằng “Thi ca là thiêng liêng lắm đấy, các bạn đừng đùa với Thánh Thi!”, và từng chia sẻ “Tôi mê thơ đến chết và yêu điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là tất cả quá trình cống hiến văn học của tôi.” Có thể chắn chắn một điều rằng, dù “giờ Hoàng Nhuận Cầm đã đi thật xa, nhưng những bài thơ của anh vẫn còn lại với chúng ta, còn lại với thời gian và còn lại với mùa xuân tình yêu trong tim bạn bè và những người yêu mến anh”, như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định./.

Khánh Quỳnh