Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nương theo hương lụa

Giang Nam 17:03 06/05/2024

Nếu ai từng đặt chân đến làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) hẳn sẽ được đắm mình trong những thớ vải, vóc lụa đẹp đến nao lòng. Chẳng thế mà lụa nơi đây từng được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”, là thứ sản vật tiến Vua quý giá. Xuân về, trong cảnh sắc giao hòa của đất, của người tôi như thấy được những sắc lụa bừng sáng, hương lụa nghìn năm như ngọn gió lành ngan ngát bay xa.

don-nhan-chung-nhan-nghe-det-lua-van-phuc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia.jpg
Làng nghề Vạn Phúc đón nhận chứng nhận nghề dệt lụa Vạn Phúc đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có một làng lụa bên sông Nhuệ

Tôi về Vạn Phúc kỳ thực không phải là lần đầu. Còn nhớ, đận gần đây nhất tôi ghé làng lụa là hôm diễn ra Tuần Văn hóa du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023. Hôm ấy, ông Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông chia sẻ, làng Vạn Phúc là một làng Việt cổ nằm bên dòng sông Nhuệ. Nơi đây là một miền quê giàu có về di tích lịch sử, là nơi có truyền thống cách mạng, là “địa chỉ đỏ" - nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946. không chỉ vậy, Vạn Phúc còn nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn trụ vững và ngày càng phát triển.

Tâm đắc mãi với những lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND quận, phần nữa cũng bởi tò mò với câu hỏi rằng “làm sao một làng nghề lại có sức sống bền bỉ như vậy?”. Tôi quyết định quay lại làng lụa. Thực lạ, cũng chỉ cách nhau ít tháng nhưng trông Vạn Phúc thời điểm này lại như khác biệt. Đường phố được trang hoàng rực rỡ và người làng lụa dường như cũng vui vẻ hơn. Có lẽ xuân về đã giúp nơi đất nghề rạng rỡ, ngập tràn trong sự đổi mới hơn.

Ngồi bên khung cửi, nơi gian chính dùng để trưng bày những tinh hoa của làng nghề, trò chuyện với ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc những ký ức về làng nghề như ùa vào tâm thức tôi. Nhắc đến lụa, chất hào sảng của người nghệ nhân như được khơi gợi, ông Hà tự hào khoe, xưa lụa Vạn Phúc là sản vật tiến Vua, gần hơn nữa, chất lụa cũng được khẳng định trong hội đấu xảo tại Marseille và Paris (Pháp) và đã giành nhiều huy chương thời Pháp thuộc. Đến nay, lụa của Vạn Phúc vẫn là thương hiệu riêng mà người trong làng đều nỗ lực vun bồi.

Lụa Vạn Phúc quý giá bởi được dệt thủ công từ bàn tay cần mẫn và bằng tình yêu của nhiều nghệ nhân làng lụa. Hoa văn chìm nổi trên mỗi tấm lụa được tạo ra ngay từ công đoạn dệt, chứ không phải in lên như cách mà những thước lụa nhập về từ nơi khác. Bước ngoặt với ông Hà có lẽ bắt đầu từ năm 1991. Khi ấy, ông Hà về làng và nhận thấy Nhà nước có định hướng phát triển nền kinh tế thị trường thay cho cơ chế bao cấp. Nắm bắt cơ hội này, ông bàn với gia đình chuyển đổi mô hình kinh doanh.

lang-lua-van-phuc-ngay-cang-doi-moi-va-phat-trien.jpg
Làng lụa Vạn Phúc ngày càng đổi mới và phát triển.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ông Hà quyết định đầu tư, nâng cao công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông còn sáng tạo thêm các sản phẩm mới. Tiêu biểu trong đó là sản phẩm lụa hoa dây. Đây hàng lụa mỏng, có hoa nổi, hoa chìm. Điểm đặc biệt ở sản phẩm này là, hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi qua ánh sáng mới thấy được. Người nghệ nhân làng nghề bảo, nếu xét trìu tượng thì lụa hoa dây ẩn chứa phần nào nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam, thuần khiết mà thanh nhã. Những nét đẹp của người phụ nữ việt đẹp đẽ mà sâu lắng.

Vương vấn sắc lụa nghìn năm

Là người Hà Nội, bởi thế nên khi tôi nhìn thấy áo lụa, bỗng dưng lại nhớ đến câu ca: “Em về Vạn Phúc cùng anh/ Chiếc áo em mặc thêm thanh vẻ người”. Người đẹp vì vóc ngọc lụa là. Đẹp vì lụa và nhờ nét thanh tao đó đã gieo vào lòng những đôi mắt si tình những niềm mong ước, nhớ thương. Tôi hỏi thăm những người nghệ nhân Vạn Phúc và chợt nhận ra rằng, để có được những tấm lụa hoàn hảo, đẹp đẽ thì phải trải qua vô vàn công đoạn.

Nếu giản lược đi thì có thể thấy, để làm nên tấm lụa cần bắt đầu từ trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ. Ngay từ khâu ươm tơ, người thợ phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ bóng nhẵn, không bị sùi lông. Sau khi tơ, người thợ sẽ pha thêm sáp ong vào để hồ sợi, đồng thời sử dụng bí quyết riêng của mình để sợi sau khi hồ không chỉ dai, dẻo mà còn phải bóng.

Đó mới chỉ là sơ lược ban đầu, lụa có đẹp hay không còn cần chú trọng ở khâu dệt, nhuộm, căng phơi. Tính riêng ở công đoạn dệt lụa thì tùy vào từng loại lụa khác nhau, người thợ sẽ áp dụng những kỹ thuật dệt khác nhau. Mỗi nhà, mỗi người thợ, theo kinh nghiệm làm nghề của mình sẽ có những kỹ thuật xử lý để làm ra vóc lụa khác nhau.

xxx.jpg
Lụa Vạn Phúc các loại hoa văn như: Hoa triện, hoa hồng, có hoa tròn, hoa vuông, hoa mây, hoa sóng.

Lụa vân ở Vạn Phúc là ví dụ. Cho đến nay, nhắc đến lụa vân là người ta sẽ nhớ ngay đến bà Nguyễn Thị Tâm. Bà Tâm là con dâu của nghệ nhân Triệu Văn Mão, một người nổi tiếng của làng lụa khi nắm giữ những bí quyết riêng dệt nên lụa vân, một chất lụa mềm mịn như những đám mây và chỉ có ở Vạn Phúc. Nghe kể, bà Tâm cũng tình cờ phát hiện ra những mẫu lụa cổ in vân nổi vân chìm. Để hiểu hơn về mẫu lụa từ thời xưa, bà đã đến từng gia đình có nghề trong làng, hỏi các cụ cao niên để họ truyền lại và chia sẻ những kinh nghiệm làm nên loại lụa truyền thống. Có mẫu lụa nhưng bà Vân phải mất đến cả năm trời mới khôi phục được. Vì thế, khi thành công nó đã trở thành đứa con tinh thần, là động lực thôi thúc bà tìm tòi và phát triển những cái mới.

Lụa vân làng Vạn Phúc thực sự là một trong những sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Lụa có đặc điểm nổi bật trông rất trong nhưng lại không bị già, không nhăn, rất thưa nhưng lại không bị mỏng. Mảnh vải lụa giơ lên trông như chiếc quạt giấy mà người ta thường thấy hàng vạn lỗ nhỏ nhưng không bao giờ bị rách.

Có một bí quyết để kiểm chứng những thước lụa “chuẩn” mà tôi được các nghệ nhân Vạn Phúc bật mí là qua biện pháp sờ và cảm nhận. Theo những nghệ nhân làng lụa, khi sờ trực tiếp sẽ thấy, lụa tơ tằm dệt thủ công sẽ mang lại cảm giác mềm mượt, khi chạm vào có cảm giác mát. Còn lụa không “chuẩn” hoặc nhập đại trà về từ nơi khác rất dễ nhăn và nhàu. Do đó, khi mua, hãy thử vò nát lụa rồi thả tay ra, nếu như lụa về nguyên hình dáng ban đầu thì đúng là lụa chuẩn. Thứ nữa, để phân biệt lụa chuẩn Vạn Phúc thì có thể “soi” ở trên hoa văn. Lụa Vạn Phúc các loại hoa văn như: Hoa triện, hoa hồng, có hoa tròn, hoa vuông, hoa mây, hoa sóng. Trong khi lụa nhập từ nơi khác hoa văn thường đa dạng, sặc sỡ, hiện đại vì được in phun.

Vạn Phúc giờ đã đổi khác. Làng đã lên phố. Đường xá đã khang trang và sạch đẹp hơn. Để phục vụ khách du lịch, các gian hàng trong khu phố lụa được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa đa dạng tạo nên điểm nhấn, sức hút riêng của làng lụa.

Điều kiện vật chất thay đổi, duy có điều bất biến ấy là tình yêu nghề dệt lụa của những người làng Vạn Phúc. Người làng nghề cũng không bó hẹp và bảo thủ tư duy giữ nghề của mình. Thay vì giữ các “bí quyết” riêng và tự thân vận động thì nay họ đã biết đoàn kết lại với nhau để cùng phát triển. Dễ thấy, không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mà làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ. Ngày nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm lựa chọn mua sắm.

Rời Vạn Phúc, tôi bỗng bắt gặp những người con gái đẹp đến lạ lùng đang đi lại trên phố. Không biết có phải do đất đai màu mỡ, do dòng sông Nhuệ mát lành khéo nuôi dưỡng, hay bởi vì những thiếu nữ đó mặc áo lụa Hà Đông. Tôi chợt nhớ tới lời của ông Phạm Khắc Hà trước khi giã từ. Ông Hà bảo, Vạn Phúc đang vươn mình cùng thời đại. Ngoài việc giữ được “hồn cốt" của làng lụa thì hiện không ít người trẻ tại làng lụa Vạn Phúc cũng đã tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm để phát triển nghề lụa tơ tằm, từ đó cải tiến chất lượng và nâng cao năng suất, đưa lụa Vạn Phúc vươn xa./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Giang Nam. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Giang Nam