Hoạt động hội

Vai trò của văn học nghệ thuật Thủ đô qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW

Thụy Phương 03/05/2024 15:26

Sáng 3/5, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm: “Vai trò của văn học nghệ thuật Thủ đô qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, chỉ rõ hạn chế của văn học, nghệ thuật Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, tọa đàm cũng đã gợi mở nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết thời gian tới.

Thiếu vắng những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị xứng tầm

Phát biểu đề dẫn hội thảo NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết trong 10 năm qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tuy nguồn kinh phí hoạt động Hội còn hạn hẹp, đời sống của đa số anh chị em văn nghệ sĩ còn khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19, nhưng với lòng say mê, tâm huyết sáng tạo, hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật đáng trân trọng đã được in ấn, xuất bản và trưng bày. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tiết mục sân khấu, điện ảnh, công trình nghiên cứu lý luận, văn hóa, văn nghệ... thu hút được người xem, người đọc. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện; tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy.

z5404839758956_e37ed4fb947cc33245d931a70669d4b0.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

“Văn học, nghệ thuật Thủ đô tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị bền vững của dân tộc được hun đúc, chắt lọc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn; là bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là trọng trách xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, tâm hồn, cốt cách con người Thủ đô nói riêng và con người Việt Nam nói chung, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng như xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn mới”, NDND Trần Quốc Chiêm khẳng định.

Mặc dù có nhiều thành tựu, song so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên và kịp thời, đặc biệt là ở cơ sở; Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật còn hạn chế, chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn học nghệ thuật, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sỹ tham gia sáng tác, lao động làm ra các sản phẩm văn hóa cho xã hội. Đáng chú ý, trong số các tác phẩm được công bố, xuất bản, còn ít những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh một cách sâu sắc, sinh động, hấp dẫn và gây dấu ấn mạnh mẽ về hiện thực cuộc sống.

Từ góc nhìn của người làm công tác lý luận phê bình nghệ thuật múa, Ths Thanh Hoa ngậm ngùi: “Số lượng nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn múa của nước ta hiện nay rất hùng hậu, đông đảo và ngày càng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng cả về tư duy sáng tạo và tư duy biển diễn. Thế nhưng, lực lượng đội ngũ lý luận phê bình múa thì ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc cùng cực”.

z5404850418979_a9c5d5fb76810893e96058a37dc429d4.jpg
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền phát biểu tại tọa đàm.

Còn nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của sân khấu Hà Nội, từ việc “áo gấm đi đêm” đến câu chuyện biên chế trong đơn vị sân khấu và đào tạo lớp trẻ, rồi cả thực trạng xây dựng kịch mục tạo nét riêng biệt của đơn vị sân khấu hiện nay…

Đáng chú ý nhiều tham luận cũng đã thẳng thắng chỉ rõ nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan dẫn đến những hạn chế tồn tại của văn học nghệ thuật Thủ đô trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

4 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Tại tọa đàm NSND Trần Quốc Chiêm cũng đề cập tới 4 mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã đề ra nhằm thực hiện hiệu quả và thiết thực hơn Nghị quyết 33 trong giai đoạn tới.

Theo đó, 4 mục tiêu bao gồm: Tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể cho hội viên có môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo; Tuyên truyền, phát động các hội viên cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Tiếp tục khẳng định chất lượng, uy tín, vị thế của Văn học nghệ thuật Thủ đô trong khu vực và cả nước; Các văn nghệ sỹ chủ động bám sát thực tiễn xã hội, thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân để sáng tác nên các tác phẩm có giá trị cả về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật.

z5404843176955_505954111a43793129bf88e90b6403a6.jpg
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ.

Về nhiệm vụ giải pháp, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về lĩnh vực văn học, nghệ thuật đến toàn thể hội viên để định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo cho hội viên và các văn nghệ sĩ, Hội sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn học, nghệ thuật, UBND Thành phố xây dựng và ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật…

Ngoài ra, Hội sẽ bám sát các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm; Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các văn nghệ sĩ, hội viên; nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm; chú trọng công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật; tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác, thực tế sáng tác, tổ chức giao lưu, cũng như tham gia hội thảo và các hoạt động do trung ương và thành phố tổ chức; mở rộng địa bàn, tăng cường kết nối song phương và đa phương trong và ngoài thành phố, trong nước và nước ngoài, trong và ngoài lĩnh vực chuyên ngành văn học, nghệ thuật; xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa huy động nguồn lực, kinh phí đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật; hướng dẫn và khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của Thủ đô …

Đề cập tới việc đầu tư cho văn học nghệ thuật, nhà lý luận phê bình Vũ Huyến cho rằng nên tài trợ qua hình thức đặt hàng. Các hội chuyên ngành cần nêu ra đề tài cụ thể, tiêu chí cụ thể (từ nội dung, qui mô đến đủ cách diễn đạt) cho các "thí sinh" muốn dự đầu tư, có thời hạn nhận để sáng tác và nghiệm thu các sản phẩm ở cả hai dạng sáng tác là tác phẩm và lý luận phê bình.

z5404856198460_1bb9ae737a163f7186ccda03a0ded164.jpg
Ths. Thanh Hoa (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm.

Trên cả hai chiều kích quá khứ và hiện tại, đứng trước tình hình đời sống văn học nghệ thuật hiện nay, đặt trong tương quan nguồn sáng Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH TW Khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đề xuất một số nội dung gắn với nhiệm vụ đổi mới phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trong giai đoạn mới. Theo đó, cần đồng bộ mô hình tổ chức của Hội; tăng cường sức mạnh chính trị và chuyên môn của các nhà lãnh đạo và quản lý văn hoá văn học nghệ thuật; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo “cởi trói” và “tự cởi trói”, mở rộng năng lực tự chủ, khắc phục cơ chế bao cấp, bình quân, hình thức đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật…

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết trên cơ sở những ý kiến, tham luận của các văn nghệ sĩ, Ban Chấp hành Hội sẽ kiến nghị với UBND Thành phố và các cấp, ngành liên quan có thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa để Thành phố thực hiện tốt Nghị quyết số 33, góp phần thúc đẩy văn học nghệ thuật Thủ đô ngày càng phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô./.

Thụy Phương