Văn hóa – Di sản

Độc đáo cây Thị hơn 600 tuổi giữa làng cổ Phước Tích, thân rỗng được ví như “hang động”

Hà Oai 27/04/2024 11:42

Cây thị hơn 600 tuổi ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) độc đáo với hệ thống “thạch nhũ” đẹp từ dưới gốc lên ngọn và rỗng thân giống như “hang động”. Trong chiến tranh không ít chiến sĩ cách mạng đã chui vào trong cây ẩn nấp, trốn thoát sự truy lùng của địch.

Đến với làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế) du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa… mà còn được ngắm cây di sản cổ thụ hơn 600 tuổi ở giữa làng với cành lá xum xuê tỏa rộng cùng hệ thống “thạch nhũ” đẹp mắt. Ở giữa thân cây có “hang động” mà ngày xưa các chiến sĩ cách mạng ẩn nấp để tránh địch tuy tìm. Đặc biệt, cụ Thị đã được công nhận là cây di sản Việt Nam từ năm 2015.

z5385668064102_707e310a51c6800a6fb9c4163281113d.jpg
Cây Thị di sản hơn 600 tuổi ở giữa làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế).

Ghi nhận của PV Tạp chí Người Hà Nội cho thấy, cây Thị cao khoảng 25m, chu vi thân 6,5m và đường kính 1,9m, cành lá tỏa rộng hơn 15m tính từ gốc... thân cây xù xì nhô ra như những “Thạch nhũ” với vẻ đẹp kỳ bí bởi dưới gốc còn có miếu thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hóa.

Dẫn phóng viên chúng tôi đến cây thị trên 600 tuổi chiêm ngưỡng, một người dân trú ở xóm Cây Thị (xóm Trung Hòa) của xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sử sách chép lại cho biết cây Thị có mặt trước khi tổ tiên làng Phước Tích đến khai phá đất đai để lập làng vào năm 1470 và thân cây Thị bị rỗng giống như “hang động” nên trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì các cán bộ cách mạng đã ẩn nấp bên trong, trốn thoát sự truy lùng của địch.

Theo quan sát, cách mặt đất khoảng 40cm trên thân cây Thị có một lỗ với độ rộng vừa đủ cho một người lớn chui lọt vào. Từ vị trí lối vào dưới lên ngọn đều bị rỗng với bên trong có những phần gỗ bị mục và có một số lỗ to nhỏ thông ra bên ngoài từ dưới lên cao trên thân cây, nhìn từ bên ngoài phần thân vỏ có nhiều vết xù xì như là hệ thống “thạch nhũ” trông rất đẹp.

“Trước đây, các chiến sĩ cách mạng dùng ván gỗ đóng thành bậc thang trong lòng cây Thị từ dưới gốc lên đến ngọn rồi vào trong ẩn nấp tránh địch và có thể chứa được vài người - Một người dân địa phương cho biết.

z5385668202623_ce305d19c9c893272479c5cfb65d8b35.jpg
Dưới gốc cây Thị là miếu thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm.
z5385668198683_e19227698b63bec06af43f7a9eb1146a.jpg
Dưới gốc cây Thị có lỗ vào trong thân cây và được ví như "hang động".
z5385668061876_07fa9e6ff6a2abfbed67fd24a1a798b2.jpg
Phía trên ngon cây Thị cũng có lỗ thoát ra rộng lọt một người.
z5385673807008_d5c7da3e99a46f2870f1806991ccff46.jpg
Từ dưới gốc lên ngọn cây Thị bị sần sùi giống như "thạch nhũ" trong các hang động.
z5385668068547_cb561cb6fb0ac57eba7fa6eab82532eb.jpg
Một cành to của cây Thị phải dùng 2 cây sắt làm trụ đỡ.

Theo Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, Cây Thị và miếu thờ Thánh Mẫu PoNagar có giá trị rất lớn về văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây. Đặc biệt, người dân rất tự hào bởi cây Thị cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam./.

Hà Oai