Hoạt động hội

Nỗi ám ảnh và sự cách tân trong thơ Nguyễn Việt Chiến

Khánh Quỳnh 15:12 25/04/2024

Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Tuyển tập thơ: Thơ và trường ca của Nguyễn Việt Chiến", nhìn lại một hành trình thi ca của tác giả và khẳng định những giá trị đặc sắc trong tác phẩm đối với nền thơ ca đương đại của Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội. Từ năm 1992 đến nay, nhà thơ đã xuất bản 9 tập thơ bao gồm "Mưa lúc không giờ", "Cỏ trên đất", "Những con ngựa đêm", "Trăng và thơ đọc chậm", "Hoa hồng không vỡ", "Tổ quốc nhìn từ biển", "Trường ca Biển", "Thị giác và ảo giác". Ông đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội...

anh-25..jpg
Các đại biểu chia sẻ trong tọa đàm.

Tuyển tập "Thơ và trường ca" của Nguyễn Việt Chiến là tác phẩm tinh chọn những bài thơ hay nhất trong các tập thơ trước. Tác phẩm gồm hơn 200 bài thơ, được chia thành 5 phần theo những chủ đề khác nhau. Mỗi phần là một "miền cảm" gắn với chặng đường thơ của ông: "miền đất, miền người, miền ký ức văn hóa, miền trầm luân thế sự, miền thời gian lắng đọng, miền trận mạc lưu đày, miền đau thương trầm cảm..."

Về giá trị nội dung của các tác phẩm, PGS. TS Ngô Văn Giá đánh giá nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có một nội lực thơ "vạm vỡ" trên nhiều chủ đề thế sự, sử thi, tâm linh... Xuyên suốt các chủ đề trong tác phẩm là cái tôi trữ tình với nhiều cung bậc cảm xúc: dấu vết của văn học chấn thương từ những ký ức lịch sử với tư cách người lính; vấn đề công dân từ những cảm luận quê hương, tình đồng bào; vấn đề tâm linh, tự tình về sự cô đơn, nhỏ bé hiện hữu giữa vĩnh hằng thời gian - không gian cùng với đổ vỡ tâm trí.

anh-25.jpg
Tọa đàm thu hút đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.

Về những giá trị nghệ thuật đặc sắc, TS Mai Anh Tuấn nhận xét nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã "nhuần nhuyễn và đôi lúc rất mực tài hoa khi xây dựng cấu trúc, mượn âm nhạc và nghệ thuật thị giác để kiến tạo hình ảnh, nhịp điệu trong thơ tự do, trường ca". Nhà thơ vừa sử dụng ngôn từ bay bổng, lãng mạn ở chặng đầu vừa tính toán, lí trí ở chặng sau. Các nhà thơ, hội viên khác cũng khẳng định tài hoa của ông ở sức liên tưởng dồi dào, trường thơ rộng, tứ thơ bất ngờ, ám ảnh.

Điều đặc sắc trong thơ Nguyễn Việt Chiến đối với tiến trình thi ca đương đại Việt Nam là sự cách tân - điểm chuyển dịch quan trọng trong tiến trình thơ trong nước. Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên nhấn mạnh những cách tân của Nguyễn Việt Chiến đối với thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc và cả thể loại thơ văn xuôi. Nguyễn Việt Chiến là người đầu tiên đưa vào thi đàn thuật ngữ "truyện - ngắn - thơ" với yếu tố tự sự được đặt lên hàng đầu, rồi mới đến ngôn ngữ thơ. Nhà phê bình nhận xét tiến trình cách tân của nhà thơ là sự pha trộn của ba khuynh hướng thơ đương đại: khuynh hướng truyền thống, khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống và khuynh hướng cách tân hoàn toàn.

anh-25...jpg
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ về tác phẩm của mình tại tọa đàm.

Có thể nói, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã và đang tiếp tục khai mở những con đường mới trong văn chương Việt Nam thế kỷ XXI, tìm tòi và cách tân những dòng thơ tưởng như đã quá quen thuộc. Trong hành trình miệt mài sáng tạo ấy, vần thơ của ông nặng trĩu trăn trở, đa đoan thế sự, thời sự. Nhưng ẩn sau những nỗi buồn nhân sinh là một nhà thơ rất đỗi hiền lành với "niềm tin lãng mạn thi ca, tôi vẫn mong muốn đời sống con người mỗi ngày sẽ tốt đẹp hơn lên" như chính ông bộc bạch. Niềm tin ấy có lẽ là khởi nguồn cho cảm hứng sáng tạo và tìm kiếm những "con đường mới" của tác giả, tạo nên những dấu ấn riêng không chỉ trong hành trang sự nghiệp của riêng ông, mà còn ở chặng đường phát triển nghệ thuật đương đại nước ta./.

Khánh Quỳnh