Hoạt động hội

Tọa đàm “Văn hóa cắm hoa và làm hoa lụa của người Hà Nội”

Thụy Phương 18:31 22/04/2024

Sáng 22/4, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Văn hóa cắm hoa và làm hoa lụa của người Hà Nội”.

Tham dự tọa đàm có NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; PGS.TS Trần Thị An – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cùng đông đảo các hội viên trong hội.

z5372698380769_6a1ef85875b542d740d86c60a44a29bb.jpg
NNND Nguyễn Mai Hạnh và NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu và diễn nghệ thuật cắm hoa.

Tại tọa đàm, cùng với những chia sẻ về nghề làm hoa truyền thống, lịch sử nghệ thuật cắm hoa, thú chơi hoa của người Hà Nội, văn hóa sử dụng hoa trong tín ngưỡng và thờ cúng tổ tiên… NNND Nguyễn Mai Hạnh và NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng còn trình diễn nghệ thuật cắm hoa hết sức độc đáo.

z5372693214034_47fb1da1aa6574adaca1e6ebec6400cf.jpg
NNND Nguyễn Mai Hạnh trình diễn nghệ thuật cắm hoa Tết của người Hà Nội.

NNND Nguyễn Mai Hạnh sinh ra trong một gia đình có mẹ là cố nghệ nhân Đoàn Thị Thái với trên 80 năm làm nghề nữ công tinh hoa, trong đó sản xuất hoa lụa là một trong những thế mạnh của bà. Cố nghệ nhân Đoàn Thị Thái là một trong những thế hệ nghệ nhân đầu tiên của Hà Nội. Bà nổi tiếng với những sản phẩm hoa hồng, hoa phăng, hoa phong lan và đặc biệt các loại hoa cài tóc, cài ngực cho cho các cô dâu, chú rể trong thời kỳ sau giải phóng.

z5372541371578_de9fd9bccc6f2b8ac17f9b5ee589a00a(1).jpg
NNND Nguyễn Mai Hạnh dành tặng bình hoa sen cho NSND Trần Quốc Chiêm.

Tiếp nối truyền thống gia đình, NNND Nguyễn Mai Hạnh đã sáng tạo và mang đến công chúng yêu hoa nhiều sản phẩm hoa lụa nghệ thuật rất độc đáo có độ bền cao. Trong đó phải kể tới những sản phẩm như: hoa sen, hoa thược dược, lay ơn, cúc đại đóa và hoa phong lan.

Chia sẻ về nghề làm hoa lụa truyền thống, NNND Mai Hạnh tự hào vì được nối tiếp nghề truyền thống của gia đình. Theo bà, để có một sản phẩm hoa lụa thì phải trải qua rất nhiều công đoạn như chọn vải, tạo hình cánh hoa, lá và lên bông. Mỗi loại hoa có một đặc trưng riêng nên việc “gò” từng cánh hoa, tạo viền, tạo nếp… cũng phải hết sức khéo léo. “Cũng như vẽ tranh vậy, tôi không cắm hoa theo một quy luật nào, mà chỉ muốn cắm sao cho đẹp nhất, gửi gắm tấm lòng của mình trong đó. Đặc biệt, những bông hoa lụa của chúng tôi còn ý nghĩa hơn bởi được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam.”, NNND Mai Hạnh bộc bạch.

11111.jpg
NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng trổ tài nghệ thuật cắm hoa tại tọa đàm.

Cũng đề cập tới nghệ thuật cắm hoa, NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng mang đến cho tọa đàm cái nhìn bao quát về lịch sử về nghệ thuật cắm hoa, thú chơi hoa và cách chơi hoa theo mùa của Người Hà Nội; văn hóa sử dụng hoa trong tín ngưỡng và thờ cúng tổ tiên…

NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ban tặng bốn mùa khí hậu Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt. Với đặc thù khí hậu nên Hà Nội có nhiều loài hoa đặc trưng theo mùa và phong cách thưởng lãm hoa cũng có nhiều sự đặc biệt. Mùa xuân có hoa đào, hoa lay ơn, thược dược, violet; mùa hạ có hoa sen, hoa phượng; đầu mùa hạ có loa kèn trắng; mùa thu có hoa cúc đại đóa; còn mùa đông: trạng nguyên, cúc họa mi. Các loài hoa có hương thơm thường được sử dụng dâng cúng.

Xưa, vào những ngày lễ Tết, người Hà Nội có thú gọt củ hoa thuỷ tiên, chăm địa lan thơm, tuốt lá đào. Ngày sau giải phóng, người Hà Nội thường có hoa lay ơn, thược dược và violet cắm trong bình gốm hoặc đặc biệt hơn là trong lọ hoa bằng vỏ đạn pháo.

Đáng chú ý, NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng còn chia sẻ về nghệ thuật sử dụng hoa của người Hà Nội trong ẩm thực. Nào việc sử dụng hoa ướp trà: hoa nhài, hoa sói, hoa cúc chị, hoa bưởi, hoa sen; sử dụng hoa làm các món ăn: hoa súng, hoa sen, hoa bí, hoa mướp, hoa quỳnh; sử dụng hoa trong y học cổ truyền: củ cây sen, hoa hồng bạch, hoa gạo.

z5372695576075_d4c3ad0784ae07c18ed3e428d7ff1988.jpg
PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phát biểu kết luận tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đánh giá cao phần trình bày, trình diễn của hai nghệ nhân. “Nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật thưởng lãm hoa thể hiện sự phong phú của thiên nhiên, nét văn hóa đặc trưng cũng như sự tinh tế, của người Hà Nội. Qua những chia sẻ trao đổi của các khách mời tại tọa đàm có thể nhận thấy đằng sau nghệ thuật cắm hoa, thể hiện quan niệm của con người đối với thiên nhiên, gửi gắm ước vọng ấm no, hạnh phúc, hòa bình…”, PGS.TS Trần Thị An khẳng định./.

z5372106212037_7c09b8a160654392eb14e535d5d95462.jpg
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự tọa đàm.

Thụy Phương