Sự kiện & Bình luận

Đồng chí Đào Duy Tùng: Người con ưu tú của quê hương Đông Anh (Hà Nội)

Quỳnh Phạm 20/04/2024 09:58

Đồng chí Đào Duy Tùng (1924 –1998) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Ông là người có nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng cao quý.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945.

article.jpg
Đồng chí Đào Duy Tùng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996. (Ảnh: Tạp chí Cộng sản).

Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đồng chí Đào Duy Tùng tham gia lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện. Tháng 9/1945, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945 khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, Đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.

Tháng 6/1946, Đồng chí Đào Duy Tùng là Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947, Đồng chí là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư huyện ủy Kim Anh, sau đó được giao phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9/1948, Đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 2/1950, đồng chí Đào Duy Tùng được điều về công tác ở Khu ủy, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Trong chiến dịch Biên giới 1950, người chiến sĩ cách mạng sinh ra tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh là Phó Chỉ huy Ban huy động dân công. Tháng 9/1951, Đồng chí Đào Duy Tùng trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Tháng 1/1953, sau lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, ông là một trong số cán bộ đầu tiên được Trung ương cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường.

Tháng 5/1955, Đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, Đồng chí Đào Duy Tùng đã lần lượt giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956 – 1962), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (tháng 12/1962) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965 - 1982).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980, Đồng chí là Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Một năm sau, Đồng chí Đào Duy Tùng được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đồng chí Đào Duy Tùng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, Đồng chí Đào Duy Tùng được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

ddtung-3.jpg
Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí Đào Duy Tùng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến cấp lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở đồng chí, niềm tin yêu lý tưởng cách mạng có cái gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của lý tưởng.

Do có nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, Đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.

Dự kiến, ngày 13/5/2024 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (TP. Hà Nội), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024).

Quỳnh Phạm