Văn hóa – Di sản

Lịch sử cá nhân trong dòng lịch sử quốc gia qua trường hợp "Hoan Châu Ký"

Khánh Quỳnh 15:41 19/04/2024

Sáng ngày 19/4/2024, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã diễn ra tọa đàm “Đối thoại về di sản dòng họ: Lịch sử cá nhân trong dòng lịch sử quốc gia qua trường hợp Hoan Châu Ký”. Sự kiện do Công ty sách Omega Việt Nam phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức, nhân dịp tái bản cuốn sách “Hoan Châu Ký” và 360 năm của đại lễ “Thập niên sự lệ”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, mang đến những cái nhìn sâu sắc và gợi mở về công cuộc nghiên cứu lịch sử dòng họ - lịch sử cá nhân tại Việt Nam – một chủ đề tưởng chừng như bị “lãng quên” nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa.

“Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký” là một trong những bộ tiểu thuyết chương hồi cổ nhất nước ta, được một vị tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh viết vào những năm cuối thế kỷ XVII. Cuốn sách viết về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh trong suốt 273 năm, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn học.

5becb78bbe9210cc4983.jpg
Tọa đàm có sự tham gia đông đảo các chuyên gia và khán thính giả trẻ.

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thu Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I nhấn mạnh: cuốn sách “Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký” cung cấp và bổ trợ cho nguồn tư liệu chính sử ở Việt Nam - giai đoạn mà tư liệu nước ta vẫn còn thiếu.

a84c867dcd64633a3a75(1).jpg
Bà Nguyễn Thu Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I phát biểu tại tọa đàm.

Còn diễn giả - TS. Phạm Văn Tuấn thì cho rằng tác phẩm “Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký” cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu gia phả hay di sản dòng họ, bởi nó không chỉ kể về tiến trình phát triển của một dòng họ, mà còn góp phần thể hiện các sự kiện lớn của dân tộc, những biến cố của quốc gia trong gần 300 năm – những điều mà đại sử không thể ghi chép hết được. Từ quan sát trong quá trình nghiên cứu của mình, ông đưa ra nhận định hiện nay nghiên cứu sử nước ta còn bỏ sót rất nhiều khía cạnh, nhất là sử địa phương.

Tại tọa đàm, diễn giả - nhà báo Nguyễn Phan Khiêm chia sẻ về dấu ấn lịch sử văn xuôi trong dòng chảy lịch sử. Diễn giả khẳng định vị trí đặc biệt của tác phẩm Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký”. Theo ông đây là một gia phả nhưng cũng là một tác phẩm văn học. "Dù là tư sử, nhưng cuốn sách bám sát vào những diễn biến lịch sử đất nước, thậm chí bổ sung cho chính sử. Về mặt ngôn ngữ nghệ thuật, tác phẩm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học và bình dân, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn với các tiểu thuyết chương hồi khác ở nước ta trong cùng thời kỳ", nhà báo Nguyễn Phan Khiêm nhận định.

1211db35902c3e72673d(1).jpg
Các diễn giả chia sẻ trong sự kiện.

Đáng chú ý, tại tọa đàm các diễn giả còn tập trung thảo luận về những tiềm năng trong nghiên cứu tư sử, vi sử hay di sản dòng họ bên cạnh gia phả như sắc phong, văn bia, hương ước... ; đề cập tới những khó khăn trong việc làm tư liệu sử ở nước ta; đồng thời nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc đóng góp trong việc bảo lưu những giá trị văn hóa – tinh thần của người Việt.

Theo đó, việc nghiên cứu di sản dòng họ một cách kĩ lưỡng không chỉ tăng vốn hiểu biết về gốc gác của mỗi các nhân, mà còn là cảm thức tâm linh, sự tự hào với tông tộc của mình. Bên cạnh đó, lịch sử cá nhân, lịch sử dòng tộc đều là những nguồn tư liệu sinh động, để liên kết lại thành những mảnh ghép nối liền những đứt gãy lịch sử, tạo thành một bức tranh tổng hòa và khẳng định bản vị quốc gia, dân tộc./.

Khánh Quỳnh