Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Sách và văn hóa đọc giữ vai trò quan trọng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Quỳnh Phạm 18/04/2024 15:58

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, khẳng định: “Những năm gần đây văn hóa đọc Thủ đô đã từng bước phát triển rõ rệt, có chuyển biến thực chất, đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp trong đời sống xã hội, ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

sach-2.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024”.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh trong Lễ khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024” tối 17/4/2024 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, mở đầu cho chuỗi hoạt động phát triển văn hóa đọc trên toàn quốc. Dự Lễ khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lãnh đạo Trung ương, các Bộ, Ngành và Thành phố Hà Nội cùng đông đảo du khách, bạn đọc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, với vị thế của thủ đô, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, công ty phát hành sách, liên kết xuất bản, nhiều văn nghệ sĩ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học. Hà Nội còn là thủ đô di sản, là niềm cảm hứng cho sáng tác và sáng tạo. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sáng tạo về văn hóa đọc cho nhân dân.

a-hai.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Lễ khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024”.

“Nhằm phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động phong trào phát triển văn hóa đọc, hoạt động tôn vinh sách đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 thực sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội với mong muốn lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách trong cộng đồng.

Những năm gần đây văn hóa đọc Thủ đô đã từng bước phát triển rõ rệt, có chuyển biến thực chất, đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp trong đời sống xã hội, ngành xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, nhấn mạnh.

Theo đồng chí Hà Minh Hải, ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự đa dạng của các phương tiện truyền thông nhưng sách vẫn khẳng định được vị trí quan trọng, luôn là nguồn tri thức vô giá, là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đọc sách là một trong những phương pháp giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo.

sach5.jpg
Mô hình Khuê Văn Các dựng bằng sách trưng bày trong “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nhận thức rõ vai trò của sách và văn hóa đọc trong phát triển kinh tế xã hội, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xuất bản và văn hóa đọc là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào việc phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần từng bước thực hiện quan điểm xuyên suốt theo Nghị quyết 15 của Bộ chính trị đã đề ra: Văn hóa và con người vừa là mục tiêu vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Đặc biệt trong “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024”, bộ sách điện tử gồm 34 cuốn có nội dung giới thiệu về di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, truyền thống hiếu học, danh nhân khoa bảng được giới thiệu đến bạn đọc trên nền tảng sách quốc gia trực tuyến Ebook 365.

Bộ sách này có ý nghĩa đặc biệt bởi văn hóa đọc đồng hành với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo định hướng, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra: Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Xây dựng Hà Nội thật sự là trung tâm hội tụ kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô./.

doc-sach.jpg
Các bạn trẻ đọc sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 ở khu vực Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 có nhiều hoạt động được tổ chức trong suốt tháng 4 nhưng tập trung từ ngày 17/4 – 1/5. Tại khu vực Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) có các không gian giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách, doanh nghiệp công nghệ, cung cấp trên 40.000 đầu sách có giá trị và có các chương trình tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật...

Quỳnh Phạm