Hà Nội xưa - nay

Phố Châu Long - ký ức đẹp Hà Nội một thuở

Bảo Trâm 11:43 11/04/2024

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, phố Châu Long (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn giữ lại vẻ đẹp của một Hà Nội xưa sâu lắng, sang trọng mà gần gũi, kiêu sa mà mộc mạc… trong ký ức của những người yêu biết bao nhiêu mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

image-11-tbrh.jpg

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

Mỗi lần đi ngang qua những con phố cổ của Hà Nội, không hiểu sao trong tôi lại ngân nga lời thơ Phan Vũ. Những mái ngói phai màu cong cong trong chiều muộn, ô cửa xanh cũ kỹ, mùa thu hoa sữa nồng nàn, mùa đông lá bàng đỏ rực, mùa xuân hoa sưa trắng muốt, mùa hè tán sấu ve ran… Giữa cái ồn ào phố thị hiện đại, có một Hà Nội chầm chậm, mặc trầm, chạm vào ký ức khiến ta rưng rưng. Châu Long là một trong những con phố gợi cho người yêu Hà Nội nhiều hoài niệm đẹp như thế.

Con phố giàu ký ức

Phố Châu Long dài 477m, rộng 7m, bắt đầu từ phố Phó Đức Chính, cắt ngang qua phố Nguyễn Trường Tộ đến phố Quán Thánh, thuộc quận Ba Đình. Xưa, phố vốn được xây dựng trên nền đất của hai thôn Lạc Chính và Châu Yên thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. So với bản đồ Hà Nội năm 1831, lúc bấy giờ Lạc Chính còn là 2 thôn: Ngũ Xã và tứ Chính, Châu Yên còn là hai thôn: Châu Long và Yên Canh, nay còn để lại dấu vết như đền Lạc Chính ở nhà số 15 thờ ông tổ nghề đúc đồng (Nguyễn Minh Không), đình làng Châu Long ở nhà số 4 ngõ Châu Long (bị phá từ năm 1947). Thời Pháp thuộc, Châu Long gồm hai phố khác nhau: đường số 93 (voie N093) năm 1928 được đặt tên là phố Ăng-toan Bon-nê (rue Antoine Bonnet) ở phía bắc, năm 1949 được gộp thêm phố Nguyễn Công Trứ ở phía Nam (là đường số 96 được đặt tên từ năm 1931), đến năm 1951 được gộp thêm một đoạn của đường số 96 (voie N096) mới được xây dựng để hình thành phố Châu Long ngày nay.
Mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử lại để lại nơi con phố này nhiều chứng tích. Trải qua những năm tháng thăng trầm cùng lịch sử Hà Nội, phố Châu Long đã lưu giữ nhiều ký ức của một Hà Nội xưa - một Hà Nội thương nhớ trong hoài niệm bao người.

Nơi cất giữ vẻ đẹp Hà Nội xưa

Cách đây gần 150 năm, khi thực dân Pháp chiếm Thành Hà Nội và quy hoạch, xây dựng cho mục đích lâu dài của thuộc địa, những kiến trúc Pháp bắt đầu xuất hiện. Biệt thự Pháp xây dựng muộn hơn, nhưng cũng đều có tuổi đời trên dưới một thế kỷ. Cũng như nhiều phố cổ ở Hà Nội, vẻ đẹp của phố Châu Long có sự hiện diện của những biệt thự thời Pháp.

z5254926210191-eea2d01322be8919566f26446c4a7bff-8916-8044.jpg

Những biệt thự mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp với những nét đặc trưng được thể hiện qua mái nhà lợp ngói, các góc mái uốn cong, kiểu dáng cửa sổ, dầm cột… cùng phong cách kiến trúc cổ điển giao thoa Đông - Tây đã tạo nên dấu ấn văn hóa rất riêng cho Hà Nội. Có căn biệt thự ở phố Châu Long đã được UBND TP Hà Nội ghi nhận là một trong những căn nhà cổ đẹp và nguyên vẹn nhất của thành phố, được bảo tồn và giữ gìn như một tác phẩm nghệ thuật.
Bên cạnh những căn biệt thự thời Pháp mang nét sang trọng, tráng lệ, phố Châu Long còn những ngôi nhà cổ mang vẻ đẹp của sự cũ kỹ, hoài niệm của Hà Nội từ trăm năm trước. Căn nhà số 36 là một minh chứng Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1900. Trong suốt hơn một thế kỷ, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, nhưng ngôi nhà vẫn gần như còn nguyên thiết kế ngày đầu, như một khoảng lặng của thời gian, một gam màu trầm giữa cái rực rỡ, nhộn nhịp của phố thị hiện đại.

Những lớp sơn bạc phếch, những những góc tường bám đầy rêu phong, cánh cửa gỗ mục… đã tạo nên một không gian đầy hoài niệm của một Hà Nội “cọt kẹt bước chân quen/ thang gác thời gian/ mòn thân gỗ/ ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ” (thơ Phan Vũ) trong ký ức biết bao người. Đây cũng là địa chỉ được nhiều du khách chú ý, yêu thích thời gian gần đây.

Ký ức Hà Nội xưa trong phố Châu Long, cũng còn in dấu trong ngôi chùa cổ kính - chùa Châu Long.

Chùa Châu Long, hay Phúc Lâm tự, tọa lạc tại số 44 phố Châu Long, tương truyền là nơi công chúa của vua Trần Nhân Tông tu tập. Xưa kia, đây là một gò đất ăn ra giữa hồ Trúc Bạch, được gọi là núi Châu Long. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét cổ kính và lưu giữ nhiều hiện vật, đồ trang trí có giá trị nghệ thuật. Năm 1994, chùa Châu Long được xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.

Lưu giữ di sản kiến trúc

Cũng như bao người dân Hà Nội, người Châu Long yêu và tự hào biết bao nhiêu về con phố thân thương, giàu ký ức của mình. Bà Hoàng Thị Xuân, một người sinh ra và lớn lên ở phố Châu Long chia sẻ, bà thân thuộc từng góc phố, ngôi nhà, thậm chí có thể đếm được hết bao nhiêu ngôi nhà, cây xanh ở khu vực này.

Thời gian chảy trôi, cuộc sống vận động không ngừng, đó là quy luật. Nhưng càng phát triển, người ta lại càng muốn gìn giữ ký ức, như một nơi neo đậu cho những giá trị cốt lõi. Bằng những cách riêng, nhiều người đã hành động, giữ lại cho Hà Nội những vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

l3rthntynty.jpg

Từ nhiều năm nay, kiến trúc sư Thanh Thủy cùng những thành viên trong nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã góp phần lưu giữ lại nét đẹp của Thủ đô xưa qua những bức ký họa chân thực và sống động của mình.

“Chúng tôi yêu vẽ, yêu nơi mình đang sống, yêu Hà Nội nên muốn lưu giữ bằng ký họa những gì đẹp đẽ đang còn lại đâu đó. Cái giá trị mất đi sẽ không bao giờ quay trở lại, thay vì nuối tiếc, chúng ta hãy gìn giữ những gì đang có, đó là những giá trị rất riêng của Hà Nội mà không một đô thị nào có được”, kiến trúc sư Thanh Thủy Thủy chia sẻ.

Những góc nhỏ dưới ánh đèn vàng và mưa bụi, những mái ngói rong rêu nứt vỡ cố oằn mình tồn tại, những khung cửa bạc phếch với ban công gỉ sét màu thời gian, những gánh hàng rong lang thang với tiếng rao lạc lõng giữa còi xe và nhạc xập xình, những tô bún nóng trên vỉa hè chật chội, những mái bạt, cột điện cũ ngả nghiêng chen chân ôm lấy nhau đứng cho vững trong quá trình đô thị hóa, bê tông hóa khốc liệt… tất cả đã khơi nguồn cảm hứng để các tác giả ký họa nên một Châu Long thật thân thương, thật Hà Nội.

“Khi xem những bức ký họa này, trong tôi lại ùa về bao ký ức, hình ảnh ở những nơi chúng tôi đi qua”, bà Hoàng Thị Xuân xúc động chia sẻ.

Bà Bùi Thị Kim Nga thành viên nhóm Ký họa đô thị Hà Nội chia sẻ: qua những không gian đô thị pha trộn giữa quá khứ và hiện tại; các tác giả đã thể hiện những góc nhìn khác nhau, những dấu ấn riêng của con phố Châu Long, qua đó làm sáng lên di sản của Thủ đô trong ký ức của bao thế hệ người Hà Nội, để ta thêm yêu mảnh đất này.

Theo kiến trúc sư Thanh Thủy, đô thị hóa luôn là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết. Làm sao để dung hòa giữa truyền thống, di sản, văn hóa và phát triển đô thị cũng là bài toán khó. Chị hy vọng, qua ký họa, nghệ thuật, sẽ góp thêm góc nhìn đa dạng để mọi người nâng cao nhận thức, yêu hơn nơi mình đang sống và chung tay gìn giữ những giá trị đẹp của đời sống đô thị./.

Mới đây, UBND phường Trúc Bạch và nhóm ký họa đô thị Hà Nội đã tổ chức triển lãm “Đánh thức nét đẹp kiến trúc phố Châu Long qua góc nhìn ký họa đô thị”. Triển lãm là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động giúp cộng đồng dân cư địa phương tìm hiểu và chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Sau khi kết thúc, triển lãm sẽ tiếp tục trưng bày tại Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã từ ngày 30/3 - 7/4/2024.

Bảo Trâm