Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Ấm tình người Hà Nội

Thanh Tám 07/04/2024 21:49

Tôi sinh ra tại một làng quê đã đi vào huyền tích trong tâm thức nhiều thế hệ với bài hát dịu ngọt, nơi đó là “Cửa ngõ Thủ đô/ Áo giáp chở che ngàn năm bền vững/Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời” (Hà Tây quê lụa – Nhật Lai). Nơi đó đã từng được coi là “Vọng gác Thủ đô” trong những năm đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc.

aozy3t1k.png
Tình yêu thương của người Hà Nội lưu giữ trong ký ức của tôi mãi mãi về sau... (ảnh: internet)

Hai tiếng Hà Nội vốn thân quen với tôi từ nhỏ. Lúc còn bé, tôi được biết đến Hà Nội qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua sách vở và nhiều lần được nghe người lớn nói chuyện về Hà Nội. Lúc ấy, tôi thầm ao ước được ra thủ đô, được vào lăng Bác, được dạo trên hồ Hoàn Kiếm như người Hà Nội và được thưởng thức món kem Tràng Tiền nổi tiếng.

Hà Nội cách nhà tôi khoảng ba chục cây số. Mẹ tôi làm hàng xáo, một tuần đôi lần mẹ gánh gạo từ quê ra Hà Nội bán. Mỗi ngày đi bán gạo, mẹ thường phải dậy từ nửa đêm, đi vào lúc canh ba đến quãng chín mười giờ khuya mới trở về đến nhà. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng chị em tôi không đi ngủ sớm mà chờ mẹ về trong ánh đèn dầu leo lét để mỗi chị em được ăn một xắt bánh mì cắt chéo mẹ mang từ Hà Nội về. Bao nhiêu năm trời ròng rã, mẹ nuôi chị em tôi khôn lớn nhờ những gánh gạo rong ruổi trên đất hà thành. Lúc nằm trên giường, rúc vào lòng mẹ, tôi thì thầm: Sau này lớn lên con sẽ gánh gạo đỡ mẹ ra Hà Nội bán. Mẹ vừa vuốt những sợi tóc nhỏ li ti cho tôi vừa nói: Con phải học thật giỏi để được đến Hà Nội công tác hoặc làm việc ở đó chứ không phải gánh gạo chùn chân mỏi gối như mẹ. Tôi nghe và nín thinh, trong đầu tôi nghĩ: con gái mẹ làm sao đủ sức để thành đạt như mẹ mong ước. Lẽ dĩ nhiên, lúc đó tôi nằm im, giả vờ ngủ và rồi tôi ngủ mất trong vòng tay mẹ. Thực ra, lúc ấy, tôi không đủ dũng cảm hứa với mẹ nhiệm vụ lớn lao mẹ gửi gắm nhưng tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học học tập hết mình để không phụ lòng mong ước của mẹ.

Học hết cấp ba, tôi giống như bao cô gái thôn quê khác rời lũy tre làng với hành trang là sách bút ra Hà Nội ôn thi vào những lò luyện thi đại học cấp tốc. Những bước chân đầu tiên trên đất hà thành của tôi khá rụt rè. Hằng ngày, tôi đạp xe ra trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ôn thi. Lớp học có đến gần trăm sĩ tử, chưa bao giờ lớp học ở trường làng tôi đông đến thế. Tôi chọn bàn đầu ngồi cho dễ nghe. Ngồi cạnh tôi là chị Hương. Chị hỏi chuyện tôi vào giờ nghỉ giải lao. Sau đó, tôi được biết chị cùng quê hương của Bác Hồ. Giọng chị nhẹ nhàng, ấm áp. Nhìn chị ăn mặc sành điệu, lúc đầu tôi không dám làm quen chị nhưng càng về sau tôi càng quý mến chị hơn. Chị nói với tôi, ước mơ của chị là đỗ đại học Báo chí. Những ngày ôn thi cùng nhau, chị giúp tôi nhiều bài khó mà thầy giảng tôi chưa kịp hiểu. Trước khi chia tay nhau về trường thi, chị tặng tôi chiếc áo sơ mi mới tinh mà lúc ấy tôi không bao giờ dám mơ mình có được chiếc áo đẹp như thế. Chiếc áo là niềm tự hào của cô sinh viên trường sư phạm tỉnh nhà lúc ấy là tôi.

Thời sinh viên, trong túi chỉ có mấy ngàn đồng lẻ, tôi với chiếc xe đạp lóc cóc nhưng cũng dạo được khá nhiều con phố, ngóc ngách của Hà Nội. Tôi đi dạo qua các cung đường từ Thanh Xuân, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Khâm Thiên, Hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, Phùng Khoang,... Tôi đi dọc các con đường ngắm nghía các trường đại học từ phía ngoài như: Đại học Thủy Lợi, Đại học An Ninh, Đại học Sư phạm, Đại học Y, Đại học Bách khoa,... Tôi đi qua để thấy không khí trẻ trung đầy nhiệt huyết của Hà Nội trên gương mặt lớp sinh viên và cũng là để lấy động lực học tập. Những buổi chiều rong ruổi ấy, tôi cũng chỉ có đủ tiền để thưởng thức món bánh mì Hà Nội. Vị ngọt của bánh từ thời ấu thơ mẹ mang về trong đêm tối đến tận lúc ấy và cả bây giờ vẫn còn lưu lại trên vành môi con gái mẹ.

Rời giảng đường Sư Phạm, mang theo hành trang là con chữ, Chuyến tàu SP1 trên ga Hàng Cỏ đưa gia đình bé nhỏ của tôi ngược vùng Tây Bắc. Mấy năm liền sau đó, cứ mỗi dịp hè hay Tết, gia đình nhỏ của tôi lại xuất hiện trên Ga Hàng Cỏ để về thăm quê hương, Hà Nội trở thành cầu nối yêu thương giữa nơi làm việc và quê nhà.

Đến năm 2008, một niềm vui vô cùng lớn trong tôi cũng như người dân quê tôi. Theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số hiện tại của mảnh đất “cửa ngõ Thủ đô” được hợp nhất vào thành phố Hà Nội. Dù là người con của quê hương xa nhà nhưng trong ý thức của tôi và gia đình nhỏ thấy tự hào biết bao. Gần hai chục năm qua, làng quê tôi đã là một phần của mảnh đất thiêng liêng của Thủ đô văn hiến. Diện mạo làng quê tôi thay đổi từng ngày. Từ điện, đường, trường, trạm đều khởi sắc; đời sống người dân cũng ngày một nâng cao. Làng lên phố cuộc sống ngày một văn minh hơn con người vẫn cần mẫn, chịu thương chịu khó, tính cộng đồng trong làng vẫn được giữ vững. Tình người vẫn nồng ấm, chan chứa yêu thương.

Tình yêu thương của người Hà Nội lưu giữ trong ký ức của tôi mãi mãi về sau. Đợt tháng ba năm ngoái, tôi có tham gia lớp viết Lý luận phê bình của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Chục ngày học tập tại Hà Nội, tôi được các thầy cô chỉ bảo tận tình, được gặp gỡ giao lưu với các anh chị em văn nghệ sĩ trong cả nước. Trở lại Lai Châu, nhiều kiến thức quý báu tôi thu nhận được về quê hương thứ hai làm hành trang trong công việc viết lách. Những ngày học tập ấy, Hà Nội bất ngờ có trận rét nàng bân. Khách phương xa ngỡ ngàng với cái rét đột ngột của Hà Nội, co ro trên phố và tôi cũng là một trong những vị khách đó. Một vài người bạn cùng lớp đã gửi tấm áo ấm trong ngày giá lạnh cho tôi. Hà Nội gió lạnh mà nồng ấm hơn bao giờ trong tuần cuối cùng của tháng thanh niên trên mọi nẻo phố phường.

Gần đây nhất, ngay trong những ngày cả nước rộn ràng đón năm mới thì tôi phải ở bệnh viện trên đường Ngọc Hồi chăm người thân. Mỗi bệnh nhân trong phòng hậu phẫu chỉ được một người thân chăm sóc. Cả một đêm dài trên chiếc ghế Xuân Hòa khiến người nhà bệnh nhân mệt mỏi. Mấy chị em được một chị bán hàng ngoài cổng viện cho mượn tấm thảm trải ra nền nhà thay nhau chợp mắt trong chốc lát bệnh. Người nhà tôi đã được xuất viện. Chúng tôi trở về với ngôi nhà thân yêu trên vùng đất biên cương của Tổ quốc xa xôi. Nhà có một tấm nệm tương tự, mỗi lần nhìn thấy hoặc cầm trên tay tấm nệm là một lần trong tôi lại trào lên lòng biết ơn, cảm kích. Dân gian có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” quả không sai. Những câu chuyện về sự chặt chém hay bon chen ở các bệnh viện trong thành phố mà trước kia tôi được nghe hóa ra chỉ là hành động xấu xí của một vài phần tử rất nhỏ ở đâu đó trên đất Hà Nội, rồi từ tai người nọ đến tai người kia và cứ thế dư luận thổi phồng lên. Cả những chuyện bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân cũng hoàn toàn không có. Người nhà tôi và cả những người bệnh ở trong phòng đều được các y bác sĩ chăm sóc tận tình không mảy may có chút đòi hỏi.

Mảnh đất Hà Nội với tôi có vô vàn những kỷ niệm đẹp đẽ cùng người thân, bè bạn và thầy cô. Từ thời học Trung học phổ thông, tôi đã được các thầy cô ở Hà Nội dạy, cô Trà dạy Văn, cô An Thị Mai dạy Toán, thầy Đức dạy Lý... đến khi học Sư phạm thì các thầy cô dạy lớp chúng tôi vẫn đa số là các thầy cô nhà ở Hà Nội. Cô Hảo vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa dạy phương pháp văn, cô rất nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc của cô khiến các cô cậu nhà quê ngơ ngác ra phố thị như chúng tôi lo sợ bị rớt môn, rồi lo sợ bố mẹ ở quê vất vả hơn vì phải kiếm tiền cho con đóng học mà chúng tôi dù nghịch ngợm, quậy phá nhưng vẫn không dám trễ nải việc học hành. Kết quả là lớp có năm mươi bảy trò thì cả năm bảy trò tốt nghiệp loại ưu.

Sau này, khi đã trưởng thành, tôi có tham gia một vài lớp học ngắn hạn ở Hà Nội. Mỗi lớp học đi qua đọng lại trong tôi không chỉ là những kiến thức chuyên môn mà còn lưu dấu nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh Hà Nội và đặc biệt là những kỷ niệm đẹp đẽ về con người Hà Nội. Đó là các thầy cô giáo của tôi. Trong số các thầy cô tôi được học, tôi khá ấn tượng về thầy nhà giáo, nhà văn Uông Triều. Những buổi học trên nền tảng goole meet, dù thầy và trò cách xa nhau nửa ngàn cây số, có những bạn còn xa tới mấy ngàn km (trong miền Tây Nam Bộ), có cả các cô bác tuổi đã ngoài thập niên sinh sống ở nước ngoài. Chỉ vì đam mê viết văn, kính trọng thầy Uông mà cần mẫn theo học. Thầy Uông tận tình chỉ bảo cho học trò những kiến thức, kỹ năng viết văn. Thầy mong ước một điều giản dị: các trò thành công trong con đường viết lách. Trước khi đến với lớp học của thầy, chúng tôi chỉ viết bằng niềm đam mê, viết theo cảm tính của chính bản thân. Sau lớp học, nhiều bạn đã thực sự trưởng thành, đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi viết văn trên trong nước, trở thành các tác giả tên tuổi như: Đặng Thùy Tiên ở Lai Châu, Cô Thắm (Nguyễn Thị Thắm) ở Đồng Nai.... và nhiều tác giả khác.

Biết ơn, trân quý, luôn nghĩ đến, hướng đến mảnh đất ngàn năm văn hiến với những con người tài ba, ân tình là cảm xúc mãi ngự trị trong tôi khi nghĩ về Hà Nội./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Thanh Tám. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Thanh Tám