Tản văn

Phù sa đời cha

Tản văn của Mộc Nhiên 07/04/2024 05:16

Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.

cha-va-con-gai.jpg
“Cha là bóng mát giữa trời/ Cha là điểm tựa bên đời của con”.

Khi thời gian hào phóng tặng cho tôi một tuổi thơ dài rộng thênh thang thì cha kiên nhẫn dịu dàng tặng cho tôi một bầu trời trong xanh đầy ý nghĩa. Rồi sớm sớm, hôm hôm, tôi mải lớn mải khôn mà quên bẵng đi những buổi chiều thẳm sâu trầm lặng. Những buổi chiều cặm cụi, những buổi chiều không nói của nhân gian. Tôi thảng thốt chạy ùa về quê hương, chạy về phía cha mà nước mắt chực giụa giàn. “Cha à! Cha đừng giống chiều khi con còn như nắng…”

Có những ngày, nắng chẳng bận rộn nơi nào xa xôi mà trải vàng con đường từ nhà tôi tới chợ huyện. Cha ngồi phía sau xe, hai tay vịn vào sườn áo tôi thật chặt giống như ngày xưa có đôi tay bé nhỏ bám vào cha chẳng rời. Tôi ngồi trên chiếc gối cũ được buộc sẵn vào yên xe êm, mềm, líu lo sau lưng cha cùng những vòng quay yêu thương tròn trịa. Cô con gái bé bỏng của ngày nào giờ đã biết chọn mua áo quần giày dép và đủ thứ cho cha mà lòng vui sướng hệt ngày xưa khi được cha mua cho những món đồ bé nhỏ.

Đời cha giản dị bao nhiêu, lòng tôi càng canh cánh thêm nhiều. Tôi nhận mình là đứa con mắc nợ. Mắc nợ những ngọt bùi phù sa mà đời cha tảo tần chắt chiu để dành cho tôi khôn lớn. Tôi như bắp ngô non từng ngày mẩy hạt, như củ khoai quê trong lòng đất vươn mình, như ngọn cây xanh hướng về ánh bình minh từ đời sông, đời cha, một đời trầm tích. Những hạt phù sa bôn ba từ núi non hiểm trở, chông chênh vượt thác xuống ghềnh, lặn ngụp chìm nổi theo dòng sông mà thành bờ thơm bãi ngọt. Những buổi chiều rơi, vệt nhá nhem muôn nơi, sông quê vẫn hiền hòa bình thản, mặt sông bừng lên những đốm sao lấp lánh. Dòng sông hạnh phúc mỉm cười nhìn bãi bờ màu mỡ tốt tươi. Như cha nhìn tôi, người cha thứ bao nhiêu trên cuộc đời nhưng với tôi là người cha đặc biệt duy nhất.
Chuyện xưa kể rằng ông trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian bằng một cái khung thật cao. Một nữ thần đi qua thắc mắc vì sao người cha lại cao đến vậy, thật bất tiện nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình thì phải cúi người. Trời gật gù rằng có lý nhưng nếu để người cha cao bằng lũ trẻ thì lũ trẻ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới. Khi trời nặn đôi bàn tay thô ráp, nữ thần lại bảo tay to thường vụng về, khó mà đóng tã, cài nút áo hay buộc tóc cho con, không thể khéo léo lấy những mảnh dằm sâu trong da thịt mềm của trẻ. Ông trời bảo đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành. Nữ thần bảo thật hoang phí khi nhìn trời nặn người cha với đôi vai rộng lực lưỡng. Ông trời đáp rằng người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa, lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, quan trọng hơn đôi vai ấy gánh vác cả gia đình. Và ông trời đã thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Người cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Đôi mắt người cha nhìn thấu mọi việc trên đời nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần hoàn tất công việc, trời thêm vào khoé mắt người cha vài giọt nước mắt nhưng rồi lại gạt chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm được ông ta đang khóc. Cha tôi không cao lớn như người cha đầu tiên được tạo ra trên cuộc đời nhưng bóng cha đủ che cho tôi khỏi cơn mưa xiên và chòm nắng rát:

“Cha là bóng mát giữa trời
Cha là điểm tựa bên đời của con”.

Bàn tay cha cấy cày gặt hái, hương lúa thơm khắp đồng gần đồng xa, bùn chàm bấu riết bên mùa nắng lửa, mùa lạnh cắt thịt cắt da. Đôi vai trầy xước vì chặt tre, vác gỗ, dựng cửa làm nhà, đào ao, đào giếng. Đôi tay khẽ chườm những ngọn ngải cứu lên trán tôi khi ốm, đôi tay nhổ chiếc gai nhọn cắm sâu vào chân tôi ngày bé la cà, đôi tay bế tôi chạy một mạch tới bệnh viện cấp cứu khi bị xe tông ở con đường làng có đoạn ngã ba. Cha kể cho tôi những bài học cha đã từng tích lũy, cha dạy cho tôi những đạo lý làm người chân chính thiện lương, cả những bài học trên lớp trên trường, cha luôn dõi theo tôi và chỉ bảo. Còn nhiều lắm những điều về cha mà tôi không thể gọi thành tên…

Tuổi thơ cha sóng gió đầy vơi khi ông nội tôi, người cha trụ cột của cha đã ra đi như con thuyền bị lật tung giữa muôn trùng sóng dữ. Cha cút côi giữa những chèn ép trên đời… cho tới ngày cha lớn khôn tự tại. Tôi ngắt lời để nỗi buồn trong cha không trở về: “Con sẽ gắng bảo vệ chính mình!”. Ánh mắt cha lẩn khuất những lo lắng vô hình. Cha hỏi tôi về những khó khăn, cha muốn nghe về những điều quanh tôi dù có đủ đầy hay thiếu thốn. Lòng nhân hậu của cha luôn là điểm tựa của cả nhà, cha bao dung với mọi thứ.

Đã có những khoảng thời gian tôi biền biệt với quê nhà để rồi một hôm tôi trở về bất chợt, hoa chanh hoa bưởi đang bình lặng toả hương mà như xốn xang nô nức. Cha lúi húi bước ra từ làn khói bếp: “Sao con về mà chẳng báo trước cho cha?”, đôi mắt trũng sâu nhìn tôi như vỡ òa. Cơn mưa phùn thay cha bật khóc.

Tôi quét dọn mảnh sân cũ và lối cổng chạy dài. Giặt chiếc màn tuyn, vò tấm chăn nhung, rũ bộ quần áo cha ngâm trong chậu rồi ra vườn bằng đôi chân trần, hái rổ rau về cùng cha nấu bữa cơm ấm áp. Cha kể về buổi họp lớp chỉ toàn những người bạn đã tuổi ngoài 70. Cha đọc cho tôi nghe bài thơ xúc động bồi hồi, bài thơ mà cha đã đọc trước bao người trong buổi lễ. Thầy giáo chủ nhiệm năm xưa đã ôm cha trong niềm nhớ thương và phấn khởi vô chừng. Nét mặt cha đang thật hạnh phúc.

Và những lần đi, tôi nghẹn ngào nhìn lại, cha bần thần đứng đó rất lâu. Bóng cha lọt thỏm dần, sâu vào vườn cây, ngõ cổng. Có đàn chim bay về phía xa xa trời rộng.Tôi nhắc mình ngày về thăm cha. Cuối làng, dòng sông vẫn lặng lẽ hiền hòa, ngô khoai vẫn ven bờ biêng biếc…

Tản văn của Mộc Nhiên