Tác giả - tác phẩm

Men của mùa xuân đã rót về

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thông 07:56 04/04/2024

Nhà thơ Vũ Quần Phương sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1965 và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp từ năm 1972. Đến nay ông đã xuất bản 13 tập thơ, 5 tập phê bình văn học và 1 tập văn xuôi. Ở tuổi 85 ông vẫn bền bỉ và giàu sức chiêm nghiệm trên cánh đồng thơ, cánh đồng chữ nghĩa. Mùa thu năm 2023 ông ra mắt bạn đọc tập thơ “Ngỗng trời kêu xa xứ” (NXB Hội Nhà văn).

Đọc tập thơ thứ 13 của ông, tôi giật mình bởi cảm nhận hồn thơ trong ông vẫn tươi trẻ, đầy sức sống nhưng không lẫn đi đâu nét dí dỏm, tinh tế của Vũ Quần Phương. Đâu đó, trong những câu thơ là bầu trời xanh ngắt, là hương bưởi ngõ quê, là nỗi lòng rạo rực của con người trước đất trời, hoa lá của mùa xuân ngay cả khi “ta thì bạc tóc”:

“Tiếng ngỗng trời trở lại hôm nay/ Trời vẫn xanh ngăn ngắt” (Ngỗng trời) và “Hương bưởi làm sang các ngõ quê/ Cỏ gà, cỏ mật xóm đường đê/ Nửa đêm thức giấc nghe trong lá/ Men của mùa xuân đã rót về” (Mùa hoa bưởi). Tràn ngập trong thơ ông là cái nhìn tươi trẻ, khiến phố cổ dọc ngang cũng tựa mỹ nhân: “Có người kẻ chợ tương tư phố/ Đi lạc Hàng Buồm sang Mã Mây/ Buồm... Mây... ờ nhỉ... Ô Quan Chưởng/ Kìa vầng trăng cổ vẫn thơ ngây” (Phố Hàng Buồm).

bia-sach-vu-quan-phuong.jpg

Trong “Ngỗng trời kêu xa xứ” ta cũng gặp vẻ đẹp của thiên nhiên và con người của vùng cao phơi phới, tràn đầy xúc cảm: “Gió xa động cánh rừng xa/ Cành run lá rụng cho hoa ngập ngừng” (Hoa rơi xa lắm). Hay nét thơ mộng mà hùng vĩ của vùng núi cheo leo Hà Giang: “Đường treo trên đỉnh núi/ Núi treo trên đỉnh trời/ Nhìn dưới chân mình sông Nho Quế/ Như mảnh khăn choàng ai đánh rơi” (Mã Pì Lèng).

Tươi trẻ, hồn nhiên, chân thành là “đặc sản” trong “Ngỗng trời kêu xa xứ” nhưng đan cài, ẩn sâu trong đó còn là những trải nghiệm sâu sắc về lẽ sống:

“Nước mắt mặn và chuyện đời cay đắng/ Đã chín dần thành múi ngọt hương bay/ Cam ngọt lại vì người trồng được hái/ Trên lưỡi mình “khổ tận cam lai” (Trong vườn cam Lục Ngạn). Cũng như vậy, dẫu lòng người tươi trẻ, xốn xang trước cây lá của mùa xuân, nhưng bằng độ trải nghiệm và lắng sâu trước cuộc đời, ông cũng cho ta những phút giây sống chậm: “Tôi uống chè hay sen/ Không biết/ Chỉ biết rằng hoa thác/ Thì chè thành hương bay” (Chè sen).

Vũ Quần Phương sinh ra ở Hà Nội, học tập và trưởng thành ở phố thị nhưng quê nội của ông ở Nam Định - mảnh đất lưu dấu các gương mặt tài danh đã thấm vào ông những vẻ đẹp kết tinh nhiều đời. Từ ấy ông suy ngẫm những vững bền và cả những chuyển động, đổi thay thông qua hình ảnh cây tre quen thuộc của làng quê Việt: “Có thể rồi tre thành đặc sản/ sang trọng mời nhau nằm chõng tre” và hơn cả là: “được trông thấy mẹ ngồi bên chõng/ trăng ngả tàu cau xuống ngõ quê” (Chõng tre).

121389752-686277078986342-5663-9676-2018-1696237688.jpg
Nhà thơ Vũ Quần Phương

Phải là người yêu gia đình, đất nước tha thiết mới gọi được những câu chữ giản dị mà cũng nhiều suy tư ấy đến với thơ mình.

Ai trong chúng ta cũng đều trăn trở nhớ nhung một nỗi về nguồn cội. Người thơ ở trong Vũ Quần Phương cũng không là ngoại lệ. Và ông nhìn về nguồn cội qua những thân phận người giản dị: “Người lẫn trong ruộng dâu/ bờ dâu hay sóng hát? /ngoài bến Việt Trì xuôi/ lá dong về ăn Tết/ Có người thuở Lang Liêu/ Cũng về phiên chợ họp” (Nét xuân vùng đất cổ). Đứng trước lăng vua Khải Định, ông ngẫm: “Đứng cạnh các ngài, tôi vững gót làm dân/ đồng lộng gió, lúa đang vào vụ gặt/ bông dâm bụt trong vườn lăng đỏ rực/ gương mặt trầm lầm lụi/ đá còn mê” (Dãy tượng đá trước lăng vua Khải Định).

Dưới ngòi bút của ông, mọi nỗi khổ niềm đau của kiếp người đều được hóa giải bằng sự yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn vô bờ bến: “Chân người xưa gánh cực/ in khắp đường thế gian/ Tôi nhìn bàn chân Phật/ mà thương mẹ vô vàn” (Dấu bàn chân Phật). Ông thương cảm, rung động với những người đã xa, đã xưa và đã khuất: “Cỏ nói lời xanh, cây nói tươi/ chữ đau, giấy nát đã xong rồi/ thương ngôi sao lẻ bên trời biếc/cứ mãi long lanh giọt lệ người” và “Gấp sách mà thương người viết sách/ trang giấy còn run trên ngón tay” (Đọc người xưa).

Tập thơ cũng dành nhiều trang viết về những gương mặt đã đang cùng ông đóng góp, tích cực và đáng kể cho nền văn học nước nhà như Huy Cận, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa. Ông thủ thỉ, tâm tình: “Anh vẽ những gì mắt không thấy/ nhưng lòng anh nhìn ra” (Vẽ), “Thương lượng với tiếng mưa đêm tí tách/ với cánh buồm nhớ sóng, nhớ chân mây/ thương lượng với tàu cau/ ngả bóng xuống cơi trầu vắng mẹ” (Mùa gió cọ trung du)…

Khi tôi viết những dòng này về thơ ông thì mùa xuân đã tràn ngập xóm ngõ, phố phường. Xin mượn câu thơ trong bài “Tháng Chạp mưa bay” của ông để khép lại bài viết này với cảm thức mùa màng tươi mới và hy vọng: “Tháng Chạp mưa bay mặt cổ thành/ Vườn nhà hoa bưởi với hoa chanh/ Hàng cau ôm gió ru năm hết/ Làng tằm ngút ngát lá dâu xanh” .

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thông