Văn hóa – Di sản

Trần Nguyên Đán – nhà văn hóa kiệt xuất thời vãn Trần

Nguyễn Phương Thảo 25/03/2024 11:40

Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), là nhà chính trị, nhà thơ; hiệu là Băng Hồ. Dưới triều Trần, ông từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu. Đời vua Trần Dụ Tông, ông giữ chức Đại phu Ngự sử đài (làm Đại phu ở Đài ngự sử), chuyên việc can gián. Đời vua Trần Nghệ Tông, ông cùng nhiều tướng lĩnh khác có công dẹp Dương Nhật Lễ, được phong chức Tư đồ.

nguyen-dan.jpg
Đền thờ Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Đến năm 1371, ông lại được bổ nhiệm chức Tư đồ phụ chính, tước Chương túc Quốc thượng hầu kiêm quân quản trấn Quảng Oai, phụ trách việc bang giao với các nước. Mùa thu năm 1385, ông xin về hưu trí ở Côn Sơn, sống cuộc đời nhàn dật cho tới lúc mất. Có thể thấy, ở chức vụ nào ông cũng làm tròn trách nhiệm và phận vị của mình. Bên cạnh những đóng góp không nhỏ về mặt chính trị, ngoại giao, Trần Nguyên Đán còn thể hiện tài năng, tầm tư tưởng và nỗi niềm riêng ở lĩnh vực văn hóa, sáng tác thi ca. Ông là người thông kinh bác sử, hiểu sâu sắc nghĩa lí Nho, Phật, Đạo. Sống trong cảnh đất nước không mấy thanh bình, nhất là lúc triều Trần suy tàn, Trần Nguyên Đán gần như người mất phương hướng. Ông hy vọng vào lớp nho sĩ trẻ như Nguyễn Ứng Long, Nguyễn Hán Anh... nhưng lại không dám đề cử họ với triều đình. Là trọng thần của vương triều Trần nên ông lo sợ binh quyền phe Hồ Quý Ly làm hại gia tộc mình, cuối cùng đành chấp nhận kết thông gia với Hồ Quý Ly để giữ yên ổn cho con cháu. Ông qua đời khi vương triều Trần đang bước vào giai đoạn suy vong.

Trần Nguyên Đán là bậc thức giả thấu hiểu vận nước, cõi đời và tình người. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại sự kiện ông trí sĩ, lui về Côn Sơn, gửi cho các bạn làm quan bài thơ, trong đó chỉ còn giữ lại được hai câu:

Kim cổ hưng vong chân khả giám,

Chư cộng hà nhẫn gián thư hy?

(Con mắt xưa nay gương đã rõ,

Các ông sao nỡ vắng thư can?)

Ông từng vượt qua những tập tục, qui định chặt chẽ của vương tộc nhà Trần và dám chấp nhận hai chàng rể ngoại tộc Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Hán Anh. Khi thấy hai gia sư trẻ sợ tội trốn đi, Trần Nguyên Đán nói: “Vận nước sắp hết, biết đâu chẳng phải là trời xui nên như thế, vị tất không phải là phúc”. Bèn cho gọi hai chàng về bảo rằng: “Người xưa cũng có chuyện này. Các ngươi không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như hay sao? Nếu hai người làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta”. Hai chàng cảm ơn sâu nặng, chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nói: “Bọn chúng có vợ giàu sang. Như thế là kẻ dưới dám phạm thượng, bỏ không dùng”. Sau Nguyễn Hán Anh làm quan đến chức Chuyển vận sứ. Ứng Long đến thời nhà Hồ đổi tên là Phi Khanh, cùng đỗ Thái học sinh với con là Nguyễn Trãi và đều được bổ làm quan.

Trong kho sách Hán Nôm, có một số nguồn tài liệu xa gần đề cập đến thân thế và sự nghiệp Trần Nguyên Đán như Thanh Hư động kí (1384) của Nguyễn Phi Khanh; Côn Sơn Thanh Hư động bi minh, Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường của Trần Nghệ Tông; Băng Hồ di sự lục (1428) của Nguyễn Trãi; Đại Việt sử kí toàn thư (1697), Công dư tiệp kí (1755) của Vũ Phương Đề; Toàn Việt thi lục (1768) của Lê Quí Đôn; Ngự chế Việt sử tổng vịnh (1874) của Tự Đức; Việt Nam quốc sử khảo (1908) của Phan Bội Châu... Chung qui, trước tác của Trần Nguyên Đán có Băng Hồ ngọc hác tập và Bách thế thông kỷ nhưng đến nay hầu hết đã thất truyền. Hiện chỉ còn 51 bài thơ chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục...

Trần Nguyên Đán viết thơ chủ yếu để bày tỏ tâm sự, phần lớn có xu hướng chán nản, lo đời, thương bản thân là người tài mà “sinh nhầm thế kỉ”. Trần Nguyên Đán sống trong thời kì khủng hoảng của lịch sử Đại Việt. Người dân thời bấy giờ phải chịu cuộc sống cơ cực, lầm than. Cảnh bão lụt, hạn hán, mất mùa thường xuyên diễn ra. Lụt lội lớn, vỡ đê vào các năm 1336, 1348, 1351-1352,...; hạn hán, mất mùa vào năm 1343, 1348, 1355... gây tổn thất rất nhiều cho đời sống dân chúng. Trong cơn khủng hoảng này, nhà Trần lại cũng không mấy để ý đến các chính sách nông nghiệp, khuyến nông và ít chăm lo đến vấn đề đê điều, thủy lợi. Là người cương trực, thẳng thắn, lại vốn thương dân, chăm dân, Trần Nguyên Đán đã phải sống, chứng kiến và bất lực trước tình cảnh của dân chúng. Cho nên những bài thơ của ông sáng tác thường mang nặng nỗi niềm cảm thương, đau xót trước tình cảnh khốn đốn của đất nước và chúng dân :

Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,

Hoà cảo miêu thương hại chuyển thâm.

Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,

Bạch đầu huống phụ ái dân tâm.

(Nhâm Dần niên lục nguyệt tác)

(Năm nay mùa hè bị hạn, mùa thu lại bị lụt,

Lúa khô mạ thối, tai hại càng nhiều.

Đọc ba vạn quyển sách mà thành vô dụng,

Bạc đầu luống phụ lòng thương dân)

(Làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần)

Hoặc:

Vạn quốc dân sinh phí đinh ngư,

Sóc Yên đông Biện dĩ khâu khu.

(Dạ qui chu trung tác)

(Nhân dân muôn nước như cá trong vạc nước sôi,

Đất Yên phương Bắc, đất Biện phương Đông đã thành gò đống)

(Làm trong thuyền lúc ban đêm đi về)

Không những phải chứng kiến cảnh dân chúng lầm than, Tư đồ Trần Nguyên Đán còn chứng kiến tận mắt cảnh mua quan bán tước diễn ra nhan nhản mà “lực bất tòng tâm”. Bên cạnh đó, ở thời kì này, giai cấp thống trị nhà Trần đua nhau đem ruộng đất, nô tì cống vào việc xây dựng chùa chiền. Dân đen thì thiếu thốn đủ thứ, vậy mà những kẻ có địa vị, có tiền lại bàng quan, thờ ơ... Trần Nguyên Đán đau xót kể nỗi bất bình của mình trong thơ:

Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo,

Long xà đôi trúc dịch dân lao.

(Bảo Nghiêm tháp)

(Cười cho sự vô lo, đem thất bảo điểm tô lên tháp,

Chạm trổ rồng rắn làm dân phải mệt nhọc)

(Tháp Bảo Nghiêm)

Đứng trước hoàn cảnh đó, Trần Nguyên Đán luôn mơ về một xã hội công bình, có nhiều người tài năng, có đạo đức để gánh vác những trọng trách lớn của đất nước. Ông mong sao bậc vua chúa biết lắng nghe, biết trọng dụng nhân tài và người trung hiếu để họ “phò nghiêng đỡ lệnh”, cống hiến tài năng, xây dựng một đất nước mà ở đó, khắp thôn cùng xóm vắng người dân vui cảnh ấm no, thái bình. Trần Nguyên Đán thừa nhận mình đã thuộc lớp người thất thế, buộc phải lui về “cày nhàn câu vắng” và ước mong một sự đổi thay, một lớp người mới sẽ tiếp nối, vực lại giang sơn:

Sóc phong tế vũ chuyển thê lương,

Khách xá tiêu tiêu khách tử trường.

Ly hạ u tư tồn vãn tiết,

Khê biên tố diệm thí tân trang.

Hồ nhi vị khoản Hoa Môn tái,

Bùi lão tư qui Lục Dã đường.

Điếu nguyệt canh vân hà thái tảo?

Thiên chung vạn vũ Tử vi lang.

(Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính Nguyễn Ứng Long)

Nguyễn Đức Vân dịch thơ:

Mưa phùn gió Bắc cảnh thê lương,

Quán trọ đìu hiu khách vấn vương.

Dưới giậu vẻ thanh, còn tiết muộn,

Bên khe hoa trắng, nức mùi hương.

Hồ nhi chưa đến Hoa Môn tái,

Bùi lão ưng về Lục Dã đường.

Câu nguyệt cày mây sao sớm thế?

Muôn chung nghìn tứ Tử vi lang.

(Gửi tặng Kiểm chính Nguyễn Ứng Long ở Nhị Khê)

Trong bài thơ này, Trần Nguyên Đán nhận rằng mình như khí tiết hoa cúc quân tử đã về già và như ông Bùi Độ đời Đường đã hưu quan ở Lục Dã; còn người con rể như hoa mai hiền sĩ tuổi trẻ, xứng đáng nhận niềm tin và gánh vác trọng trách trong triều. Mở rộng hơn, Trần Nguyên Đán bày tỏ nguyện vọng về việc đào tạo, trọng dụng người hiền tài:

3

Nhất chú ngự hương thông để khuyết,

Nguyện văn trung hiếu Trạng nguyên danh.

(Canh thế cục chư sinh xướng thù giai vận)

(Đốt nén hương vua thấu đến cửa thượng đế,

Mong được nghe tên vị Trạng nguyên trung hiếu)

(Họa vần bài thơ xướng họa của các thí sinh ở trường thi)

Sống giữa nơi kinh thành, Trần nguyên Đán cảm nhận rõ sự lỗi thời, bất lực của mình và thấy việc mình ôm chức quan cũng chỉ là hư danh, hư vị không giúp được gì cho đời:

Trung tâm nhận đắc bản lai không,

Tiện trữ hư không tại cá trung.

Thiên hạ hữu vi giai chính lý,

Nhân gian vô xứ bất xuân phong.

Thanh trà hảo tửu cung giai khách,

Sấu trúc sơ mai bạn lão ông.

Lãm kính tự tàm duy nhất sự,

Lực phù suy bệnh tác Tam công.

(Ngẫu đề)

Trần Lê Sáng dịch thơ:

Hỏi lòng biết được vốn là không,

Nên mặc hư không cứ ở trong.

Thiên hạ có duyên đều chính lý,

Nhân gian đâu chỗ chẳng xuân phong.

Trà thơm, rượu ngọt mời tân khách,

Trúc thẳng, mai gầy đón lão ông.

Ngắm bóng thẹn lòng duy một việc,

Ốm hèn còn gắng giữ Tam công.

Nhìn rộng ra, có lẽ một bộ phận quan lại thời Trần Nguyên Đán là những người không có chữ, đúng hơn là không nhiều chữ. Họ làm quan là vì có tiền của, cậy thần cậy thế, mua được quan bán được tước. Cho nên quan Tư đồ mong ước các tướng văn, tướng võ trong triều ít nhiều cũng phải biết chữ. Người có chữ ắt hẳn là người biết đến trung hiếu, lòng vị tha, đức hy sinh, độ lượng với dân chúng và triều đình. Ông mong ước:

Đấu tướng tòng thần giai thức tự,

Lại viên tượng thị diệc năng thi.

(Đề quan Lỗ bạ thi tập hậu)

(Tướng võ, quan hầu đều biết chữ,

Thư lại, thợ thuyền cũng làm thơ)

(Đề sau tập thơ quan Lỗ bộ)

Tâm tình này ở Trần Nguyên Đán cho thấy ông là người cương trực, có lòng nhân ái. Ông dám phê phán, phản biện, lên án và nói thẳng những mặt trái, những điều bất công, tệ hại đang diễn ra trong xã hội đương thời. Đi xa hơn, bất lực trước thời cuộc, có lúc Trần Nguyên Đán tìm đến rượu để giải khuây:

Nhất bôi cưỡng tuý thù giai tiết,

Bất quản liêm hà bạch lộ linh.

(Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tác)

(Một chén gượng say để đáp lại tiết vui,

Chẳng ngại gì lau sậy có móc trắng rơi)

(Tháng chín có người đến thăm cùng làm thơ)

Tuy nhiên, việc Trần Nguyên Đán tìm đến rượu trước sau vẫn chỉ là điều bất đắc dĩ, cực chẳng đã. Bởi lẽ ông chẳng mấy hứng thú với rượu, tìm đến nhất bôi (một chén) trong tình thế cưỡng (gượng) và rồi ngay cả cái say cũng lại là cưỡng tủy (gượng say). Ông gượng say và cũng gượng vui, biết rằng có uống say cũng chẳng thể vui được.

Hẳn cũng vì bất mãn với thời cuộc nên đoạn cuối đời ông về Côn Sơn, chọn cuộc sống nhàn dật để được thỏa chí, thỏa lòng. Trong niềm tâm sự sâu xa, ông bộc lộ sự bất lực trước thời cuộc, đổ vỡ niềm tin vào lý tưởng Nho giáo cũng như với chính bản thân mình:

Bạch nhật thăng thiên dị,

Trí quân Nghiêu Thuấn nạn.

Trần ai lục thập tải,

Hồi thủ quý hoàng quan.

(Đề Huyền Thiên quán)

Bản dịch của Hoàng Việt thi văn tuyển:

Lên trời còn sự dễ,

Giúp chúa thật điều gay.

Sáu chục năm lẩn thẩn,

Trông người hổ thẹn thay.

(Đề quán Huyền Thiên)

Ở Trần Nguyên Đán, bên cạnh chữ “tài” còn có chữ “tâm”, bên cạnh cá nhân mình còn có vương triều, quốc gia, dân tộc. Người đời sau luôn tôn vinh, kính nể nhân tài và nhân cách của vị Tư đồ đời Trần này. Nguyễn Trãi cũng từng viết và tự hào ngợi ca về ông ngoại Trần Nguyên Đán của mình: “Giữ vững cơn lay động, gỡ mối sau buổi rối ren, trong khoảng mấy năm, trong nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng. Dù là trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng” (Băng Hồ di sự lục, 1428. Bản dịch, 1969)../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Phương Thảo