Tác giả - tác phẩm

Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Nhưng bù lại, ta được nhiều chiêm nghiệm”

Nhà thơ Vũ Quần Phương 07:53 01/04/2024

Trong lớp nhà thơ xuất hiện vào thời kháng chiến chống Mỹ, cây bút nữ Nguyễn Thị Hồng Ngát thuộc vào lứa sau, bạn đọc biết thơ chị khoảng những năm 70.

012image-1-rthtyhj.jpg

Khi ấy Nguyễn Thị Hồng Ngát đang là diễn viên chèo. Thơ, với chị còn như một tập dượt say mê, và thành công còn nằm trong hứa hẹn. Thời ấy các cây bút nữ chưa nhiều, một khi ai xuất hiện trên báo chí, văn đàn đều được bạn viết, nhất là bạn viết cùng lứa chào đón và chờ đợi. Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng nhanh chóng nhập vào sau những Xuân Quỳnh, Hoàng Thị Minh Khanh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây… tạo nên một phẩm chất thơ chiến tranh giàu nữ tính. Phẩm chất này trong kháng chiến chống Pháp chưa thấy rõ. Lứa viết này vào thơ hồn nhiên, được các nhà thơ lớp trước dìu dắt, truyền nghề và giới thiệu khá chu đáo. Bản thân họ thì say mê và hào hứng nhập cuộc và tự ý thức những khó khăn thử thách ở bước đầu của mình. Hồng Ngát có lẽ là người hồn nhiên nhất trong những người hồn nhiên ấy.

hngh5th5rnhtnyt.jpg

Năm 1972, tôi từ nghề y chuyển về Ban Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, mới có nhiều cơ hội gặp gỡ các nhà thơ mà mình thần tượng từ phong trào Thơ mới, có cảm giác như được gặp người trong cổ tích. Còn khi được biết những bạn viết, hồi ấy được gọi là cây bút trẻ, thì lại có cái vui nhận ra chỗ của mình. Đọc được một bài, nhớ được một câu của nhau là đã thành thân thiết. Tôi được gặp Hồng Ngát ở nhà tác giả “Tiếng thu”, nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông Lư giới thiệu và hỏi biết nhau chưa? Tôi ú ớ vì tên chị thì tôi có nghe, có biết chị là văn công. Nhưng thơ chị thì… từ hôm đó tôi mới để tâm tìm đọc và rồi giới thiệu trên làn sóng phát thanh và truyền hình.

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, ở chặng đầu, trong những năm 70 thế kỷ trước, khi chị còn là diễn viên chèo, như một thứ nhật ký tâm tình. Chị giãi bày những gì đã gặp, đã trải trong những chuyến đi biểu diễn phục vụ chiến trường, đến tình cảm gia đình thương cha nhớ mẹ, ý chí chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, rồi tình yêu lứa đôi… những chủ đề phổ cập của thơ ca hồi ấy. Nét riêng của thơ Hồng Ngát là cảm xúc hồn nhiên, chân thật, một giọng thơ tin cậy, dễ gần và rất lạc quan. Chị cảm tạ cuộc đời đã cho chị được làm công việc yêu thích, được gặp những người nhân hậu:

Cho tôi xin cảm ơn đời
Cho tôi xin cảm ơn người tôi yêu

Chất thơ ấy đã thành một phẩm chất, một cá tính lặng lẽ xuất hiện nhưng ngày một rõ của thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Tôi đã viết giới thiệu nét đóng góp ấy của tâm hồn chị qua tập “Bâng khuâng chiều” xuất bản năm 2000. Xin được trích lại đôi ba ý trình bạn đọc như dấu vết một chặng trưởng thành của một quá trình thơ:
- Hồng Ngát ở tập thơ này có giọng vui, cái vui ôn tồn tự biết, tự đủ. Chấp nhận làm mặt đất để thành bệ phóng, thành điểm tựa, thành nơi nghỉ ngơi chứ không phải là nơi giam giữ những đôi cánh. Người phụ nữ ở đây không muốn trói người mình yêu bằng thừng, cố nhiên, mà cũng không bằng nước mắt, chị muốn trói bằng tình yêu êm đềm và nụ cười tươi tắn.

- Chị biết tìm ra mối bổ sung cho khác biệt nên khác biệt lại thành hài hòa: Chúng mình khác nhau nhiều thế/ Bỗng dưng lại kết thành đôi/ Có phải khác nhau nhiều thế/ Cho nên chẳng thể xa rời? Câu hỏi cũng là câu trả lời. Hạnh phúc trong tầm tay vì bàn tay biết gìn giữ, trân trọng.

- Cũng đừng lo thiết thực thì mất mơ mộng. Hồng Ngát vẫn mơ mộng, vẫn khao khát đầy tính thẩm mỹ trong tình yêu: Cái thời anh nói yêu em/ Tay cầm tay ánh mắt nhìn chứa chan. Khao khát mơ mộng mà lại yên tâm: Yêu nhau ngả nón ra ngồi/ Bây giờ con bước sóng đôi thay mình (...) Câu hỏi cuối bài vừa thắm lại vừa xanh, câu thơ mang cái duyên của tuổi, hai chữ cũ càng rất mới, diễn tả bây giờ mà thấm thía xa xưa, một thứ hạnh phúc lặng thầm. Biết là có mà vẫn hỏi. Hỏi như một cách kiểm kê tài sản: Hỡi người đi chuyến đò ngang/ Còn chăng ngọn lửa cũ càng ngày xưa.

- Nguyễn Thị Hồng Ngát có ưu điểm trong cảm xúc là thật, viết như giãi bày. Chị không khoe nỗi buồn, cũng không phóng to nỗi đau, những phụ tùng này hay được dùng trang điểm cho cái gọi là hồn thơ.

Ở vào năm 2000 ấy, điều tôi vẫn mong ở thơ chị là sức khái quát, là chiều sâu cô đọng của trí tuệ. Tình cảm cũng phải là tình cảm của trí tuệ.

Đến tập thơ “Những con sóng” xuất bản năm 2021, mong mỏi ấy của tôi hình như đã được tác giả lưu tâm. Tập thơ không ghi ngày tháng dưới mỗi bài thơ. Tôi không rõ dụng ý của tác giả nhưng tôi thấy nó có tác dụng như đóng dấu chiêm nghiệm cho cả một đời người. Tôi xin phép được nương theo dấu đóng lần lượt trong tập để thưa chuyện cho được minh bạch cùng bạn đọc.
Trước hết là hai câu như một đề từ cho cả tập thơ, in ở trang sau của bìa giả, trang 2:

Thương con sóng cứ vô tư dào dạt

Một mình buồn cũng lại một mình vui.

Đây là tuyên ngôn của tình thế “một mình”, một mình cả trong cơn vui lẫn trong cơn buồn. Mỗi cơn là một con sóng. Sóng nổi rồi sóng tan. Những con sóng liền nhau ấy là thành một đời người. Nhà thơ có ý thức về vị trí tập thơ này đối với đời mình. Bài thơ đầu nói tới một loài hoa mai thân nhỏ, cành nhỏ, nụ nhỏ, không được chăm bón mà vẫn ra hoa. Cây hoa thành biểu tượng cho nhà thơ tự thể hiện:

Ngắm mãi càng thấy yêu cây mai già
Không bao giờ chấp nhận mình
Cằn cỗi

Bạn đọc dễ dàng nhận ra bản lĩnh của nhà thơ phái yếu này khi bà đã ở vào thế cùng là tuổi già và sự đơn độc. Thì chấp nhận cả hai. Cái thứ nhất thuộc quy luật của bản thể, cái già nó hạ trại ngay trên đầu mình (thơ Mãn Giác: Lão tòng đầu thượng lai), trốn sao được. Cái thứ hai thuộc tình thế ngoài mình, ngoài quyền định đoạt của mình. Chỉ một điều thuộc quyền mình ấy là không chấp nhận sự cằn cỗi. Đọc Nguyễn Thị Hồng Ngát đã lâu, tôi thấy đây là bước phát triển hơi bất ngờ ở chị. Chị có ý thức về tác động của thời gian: năm tháng xếp chồng lên nhau làm mình ngộp thở. Và ghê nhất là nó, thời gian ấy, nhanh lắm:

Không kịp nhớ - đã đêm
Không kịp quên - đã sáng

(Đúng ra phải là chưa: chưa kịp nhớ - đã đêm)
Vậy đối phó ra sao? Xuân Diệu của tám mươi năm trước chỉ có cách là vội vàng: “Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi”. Nói thế cho oai cái lãng mạn thôi. Chứ ai làm được. Nhà thơ thời nay thực tiễn hơn là tìm cách thắng trong kiểu nghĩ. Đây là phạm trù cảm nhận, thuộc cõi tinh thần, thì lấy tinh thần mà tác động. Nhà thơ nương tựa vào hình mẫu sống chậm của thiên nhiên và bổ sung bằng tư duy khoa học và thành tựu kỹ thuật. Bài thơ “Con đậu con bay” từ thành tựu hàng không mà sang nhịp điệu sinh học của loài chim, biến sự chia ly thành nhịp sống tạo vật. Và cảm giác xa cách trong không gian bớt đi tê tái trong lòng người nhiều lắm. Nhất là với thành tựu viễn thông nó kéo con người gần nhau. sáng tạo tình cảm mới. Bóng dáng cánh buồm đơn xa dần trong bầu trời biếc mung lung (cô phàm viễn ảnh bích không tận) trong thơ Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên đã thành một di tích xa xưa có sức làm giàu tự tin cho tâm hồn người hiện đại. Sự lập ý cho câu thơ không chỉ huy động hình ảnh, hình tượng mà còn chịu ảnh hưởng từ cấp độ bao trùm của nội dung và phương thức tư duy.

Nhân một đổi thay trong nếp cảm xúc của nhà thơ nữ Hồng Ngát tôi muốn mở rộng nhận xét để thấy bước tiến can đảm, trọng thu hoạch trí tuệ trong tâm lý tiếp nhận hiện thực của người thời nay: Dù sự trong trẻo ngày xưa dường như đã mất đi/ Nhưng bù lại ta được nhiều chiêm nghiệm. Trong bài “Đêm không ngủ” thoáng gặp lại một tác phong xưa trong cả lời cả ý, nhưng điều đang trăn trở là của hôm nay, không dễ trả lời nhưng lại có thể trông vào phấn đấu nội tâm, một phấn đấu âm thầm và quyết liệt:

Tưởng rằng thôi thế thì thôi
Nói buông đâu dễ một lời là buông
Đêm sâu thăm thẳm giọt sương
Long lanh sáng lại sắp dường như tan
Đêm dài lòng dạ chứa chan
Nghĩ gì ư - thấy miên man nỗi
đời

Nhà thơ trẻ trung hồn nhiên thuở nào đã thật sự thành người cả nghĩ. Bà đang thầm lặng tự duyệt lại đời mình. Không còn cái hài lòng dễ dãi buổi đầu đời. Đã có lúc chán người và nhiều lúc giận mình. Đã nói bực, nói dỗi, đã triết lý vụn, đã “mát mẻ” lung tung với đời. Bài thơ “Cầu Diễn”, một địa danh gần các khu văn công điện ảnh, người thơ chất vấn sông, chất vấn cầu, không tha cả người đang ngủ:

Cầu có mà sông không có
Nước cạn từ lâu lắm rồi
Mà sao bên kia vẫn ngủ
Bên này lúa đã sinh
sôi

Quả thật có chút giận thân, giận đời. Nhưng tôi quý cái tư thế trí tuệ ấy và hiểu rằng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, người cả đời đã dành tâm trí và sức lực cho điện ảnh, (chị đã học điện ảnh ở Liên Xô, đã được giải thưởng Nhà nước và Huân chương Lao động hạng Nhất từ điện ảnh, đã là Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam, đã tham gia lãnh đạo Cục Điện ảnh - Cục phó, đã tham gia điều hành Hội Điện ảnh Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội. Hiện nay, ở tuổi hưu đã 15 năm, chị vẫn đang điều hành một xưởng phim của chính mình) nhưng chỗ đến của tâm hồn chị lại là thơ, vẫn là thơ. Chị đã đưa được thơ mình chạm vào nơi thơ cần phải đến. Thơ cho chị sức lực, ý chí để sống, sống như cây mai già ít đất, trong bài mở đầu tập thơ này: sống không cằn cỗi, sống và nở hoa. Đấy là việc đang thực hiện hay là lời tự hứa hay xa hơn, là một khát vọng. Tùy người. Nhưng có nó, thì người lữ hành trần thế nào cũng vẫn có con đường trước mặt. Mà có đường khi chân vẫn khát đi là hạnh phúc lớn của đời người.

image-1-a.jpg

Nguyễn Thị Hồng Ngát

Tìm xuân

Tôi đi tìm
Tuổi đôi mươi rơi ở đâu rồi
Tuổi ba mươi
Bốn mươi
Và năm mươi nữa
Năm tháng cứ xếp chồng lên nhau
Ngộp thở
Từ một cô gái
Rồi thiếu phụ
Rồi người đàn bà
Tóc đã hoa râm
Ôi thời gian
Không kịp nhớ - đã đêm
Không kịp quên - đã sáng
Tôi ơi
Thôi đừng tìm đừng tiếc
Cây si ngàn tuổi gió thổi vẫn reo
Tôi đi tìm tôi ở đâu
Khi trước mặt mỗi ngày ta sống
Hoa vẫn nở thơm lừng ngõ vắng
Tiếng ríu ran lũ trẻ nô đùa
Nhịp sống mỗi ngày tấp nập đi qua
Tôi là đấy tìm đâu cho mệt
Và mỗi năm khi mùa xuân đến
Như si già
Ngàn tuổi
gió thổi
Vẫn reo...

Cầu Diễn

Hy vọng đây là lần cuối
Đi qua Cầu Diễn thăm người
Dù cay đắng hay hạnh phúc
Cũng đã sắp xong một đời

Người bên kia cầu vẫn ngủ
Đâu hay ta dậy tinh mơ
Ngồi bên này cầu ngóng đợi
Tiện tay làm một bài thơ

Cầu có mà sông không có
Nước cạn từ lâu lắm rồi
Mà sao bên kia vẫn ngủ
Bên này lúa đã sinh sôi

Người nông dân chăm cày cấy
Bên kia sao đất bỏ hoang
Bao mùa đi qua trước mắt
Nhìn sang mà thấy ngỡ ngàng

Mong rằng đây là lần cuối
Qua cầu nón chẳng nghiêng chao
Sông xưa đã nên bờ bãi
Đời buồn như thể chiêm bao

Đêm không ngủ

Đêm sao đêm thật là dài
Không gian tĩnh lặng gió ngoài song thưa
Đêm không trăng trời không mưa
Đồng hồ điểm nhịp như vừa sang canh
Chỉ mong trời sáng cho nhanh
Đêm dài như thể chỉ dành cho tôi
Thức đêm cũng đã nhiều rồi
Tóc sương đã điểm, da mồi đã lâu
Tưởng rằng thôi nhé, đêm sâu
Bao năm tha bổng cho nhau được rồi
Ai ngờ đêm vẫn đùa dai
Để cho biết đêm vẫn dài là đây
Một đời được mấy giấc say
Được bao nhiêu tháng, nhiêu ngày mừng vui
Tưởng rằng thôi thế thì thôi
Nói buông đâu dễ một lời là buông
Đêm sâu thăm thẳm giọt sương
Long lanh sáng lại sắp dường như tan
Đêm dài lòng dạ chứa chan
Nghĩ gì ư - thấy miên man nỗi đời
Miên man cái nỗi con người
Vì chưng mất ngủ nói lời của đêm...

Nhà thơ Vũ Quần Phương