Văn hóa – Di sản

Khai quật khảo cổ làm rõ hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long

Trung Kiên 30/03/2024 18:29

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khai quật tại 3 vị trí thuộc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội).

Theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diện tích khai quật lần này gồm 990m2. Cụ thể như sau: vị trí số 1 là Hố khai quật H1: 200m2 (tại khu vực Hậu Lâu); vị trí số 2 là Hố khai quật H2: 30m2 (trên nền Điện Kính Thiên); vị trí số 3: Hố khai quật H3: 120m2 và hố khai quật H4: 640m2 (tại vị trí Nhà Cục tác chiến).

hoang-thanh3.jpg
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã thực hiện nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, qua đó tìm hiểu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Chủ trì khai quật là ông Hà Văn Cẩn của Viện Khảo cổ học. Thời gian khai quật từ ngày 25/3/2024 đến ngày 25/12/2024, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 25/3/2024 đến ngày 31/7/2024 (khai quật các hố H1, H2, H3); Giai đoạn 2 từ ngày 01/8/2024 đến ngày 25/12/2024 (khai quật hố H4).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

hoang-thanh-1-.jpg
Hiện vật thời Lý được tìm thấy sau các đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu sau khi kết thúc đợt khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, trước khi công bố kết quả của đợt khai quật, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Liên quan đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cho biết, từ năm 2011 đến nay, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, sự tham gia đóng góp của các bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, công tác khai quật khảo cổ học luôn được chú trọng, bảo đảm thực hiện nghiêm túc theo các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng Quốc tế về di tích và di vật (ICOMOS).

hoangthanh3.jpg
Nền móng cung điện phát lộ trong quá trình khai quật khu vực đền Lê (vua Lê Đại Hành) thuộc khu Di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Hiệp Trịnh).

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng 10.000m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Đặc biệt, công tác khai quật năm 2023 đã đạt được những kết quả khả quan trong việc xác định dấu tích của Điện Kính Thiên. Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới và các chuyên gia trong nước đánh giá cao vì được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng, khôi phục chính điện Kính Thiên./.

Trung Kiên