Làng nghề, phố nghề qua tài liệu quý

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:43, 21/10/2020

Hơn 130 tài liệu, tư liệu, hình ảnh tại triển lãm “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước tổ chức đang mở ra những câu chuyện về một thời kỳ đầy biến động, thăng trầm hơn 100 năm của làng nghề, phố nghề tại Thủ đô.
Đấu xảo - hội tụ kỹ nghệ Thủ đô
Theo các tư liệu được trưng bày tại triển lãm, thời thuộc địa Pháp, Hà Nội là nơi diễn ra cuộc đấu xảo quy mô lớn, nơi hội tụ kỹ nghệ các ngành nghề của Thủ đô và nhiều quốc gia khác. Mô hình này nhanh chóng thu hút nhiều thợ từ các làng nghề hội tụ về Hà Nội.
Tham gia đấu xảo, người thợ còn được hưởng lương và lợi nhuận từ các sản phẩm. Dù sau đó vì hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh dẫn đến việc chính quyền thuộc địa không tổ chức cuộc đấu xảo nào lớn như năm 1902 nhưng các cuộc đấu xảo trong nước vẫn được thực hiện. Trong đó, triển lãm mỹ nghệ ở Hà Nội do Hội Mỹ nghệ Việt - Pháp tổ chức ngày 8/12/1912 vẫn thu hút nhiều nghề tham gia.
Mặt khác, theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm đình đốn một phần hoạt động kinh tế của người Pháp ở Đông Dương. Đến nay Trung tâm mới tìm thấy tài liệu liên quan đến các ngành nghề thủ công tham dự đấu xảo Hà Nội năm 1918. Đấu xảo tiếp còn tìm thấy trong tài liệu dừng lại ở năm 1938.
Sau này, đấu xảo chỉ còn ngôi nhà trung tâm được sử dụng làm nơi cất giữ những mẫu hàng thủ công nghiệp và nông nghiệp gọi là Bảo tàng Nông công thương nghiệp rồi trở thành một nơi dạy nghề cho người làm nghề thủ công.
Ngày nay, dấu vết của một khu đấu xảo nguy nga, tráng lệ một thời đã không còn lại gì. Câu chuyện về những người thợ tới Hà Nội để xem hội chợ, tranh tài nay chỉ còn được nghệ nhân làng nghề truyền tai nhau.
Phát triển tinh hoa làng nghề
Thông qua những tư liệu, hiện vật, hình ảnh lưu trữ quý giá lần đầu tiên được công bố, bức tranh về làng nghề, phố nghề của kinh thành Thăng Long xưa, đất Kẻ Chợ trăm nghề giai đoạn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được tái hiện sinh động.
Theo các tư liệu, để tận thu thuế chợ, chính quyền Pháp đặt ra quy định về việc bán hàng rong. Nếu như dưới triều Nguyễn, các nghề thủ công phải đóng thuế sản vật thì đến thời Pháp, chính quyền quản lý xã hội theo luật của chính quốc. Các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủ công truyền thống, sau khi đã nộp đủ thuế sẽ được cấp một tấm thẻ môn bài. Sự quy hoạch cũng như chính sách mới đã làm xáo trộn cuộc sống và hoạt động buôn bán của TP nhưng đồng thời cũng mang đến hướng đi, cơ hội mới cho họ.
Qua triển lãm, công chúng cũng thấy được cơ chế khuyến khích phát triển tay nghề và sáng tạo của người thợ thủ công. Đó là chính quyền cho tổ chức thi thợ khéo, thợ giỏi. Vì thế mặc dù giá đất tăng cao, chịu nhiều loại thuế và chính sách tận thu ở chính quốc nhưng đây lại là thời kỳ các loại nghề thủ công được phát triển mạnh mẽ, sôi động. Từ 50 năm nay, người dân làng quạt Đào Xá, tỉnh Hưng Yên đã ra Hà Nội ngụ cư buôn bán mặt hàng quạt và thường họp phiên tại số 28 phố Hàng Quạt.
PGS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Việc kết nối các di sản quá khứ với đời sống hiện tại là thông điệp quan trọng để giúp xã hội nhận thức một cách sâu sắc hơn vai trò của nghề thủ công và có trách nhiệm, nghĩa vụ làm tốt hơn bảo tồn, di sản nghề thủ công của chúng ta”.

"Với hơn 100 tài liệu lần đầu tiên được công bố trong triển lãm sẽ cho chúng ta hình dung được câu chuyện các làng nghề lên phố nghề để lập nghiệp, những người thợ thủ công tham gia đấu xảo trong nước và quốc tế; đào tạo để nâng cao tay nghề cũng như mở trường, mở lớp và xây tổ đình." - Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương

KTĐT