Lý luận - phê bình

Tọa đàm về tiểu thuyết "Chuyện phố" của tác giả Phạm Quang Long

Hương Giang 26/03/2024 07:22

Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho hay, trong quãng 10 năm gần đây, thầy giáo Phạm Quang Long còn được biết tới với hình ảnh một nhà văn, một nhà viết kịch bút lực dồi dào, dành những quan tâm trăn trở đặc biệt cho thế sự, trí thức đương thời.

"Tọa đàm khoa học “Chuyện phố: Một tự sự về đô thị đương đại” là cơ hội để giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc tác phẩm của thầy, đồng thời cũng là không gian trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học, độc giả về cách trần thuật địa điểm, nơi chốn, không gian văn hóa, không gian trải nghiệm, không gian kí ức Hà Nội, từ đó đưa ra những cách tiếp cận về căn tính đô thị đương đại, tạo ra các hệ quy chiếu để tiếp cận chuyện phố trong văn học Việt Nam đương đại”, PGS.TS Đào Thanh Trường nhấn mạnh.

z5283951658335_00eee6365befdb98d1fa1241d8664966.jpg
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Theo Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng Chuyện phố là một câu chuyện thú vị và đáng đọc. Tác giả chỉ mượn một câu chuyện về gia đình ông Mưu trong biến đổi xã hội nhưng hàm ẩn nhiều lớp nghĩa, hấp dẫn độc giả, bởi vậy NXB Phụ nữ rất có niềm tin về sức sống lâu bền của tác phẩm.

z5283951640380_c0efce403c993d281feff1d6966d5846.jpg
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ trong buổi tọa đàm.

Đề cập tới điểm đặc sắc nổi bật trong tiểu thuyết Chuyện phố, PGS.TS La Khắc Hòa nhận định: “Tiểu thuyết của Phạm Quang Long thực sự là tiểu thuyết thế sự, nên khi đọc là ta nhập ngay vào dòng chảy của văn học đổi mới. Bên cạnh đó, tác giả cho thấy “khuynh hướng tư tưởng”, viết “nóng” chứ không phải viết “lạnh” (mượn ý của nhà văn Nguyễn Tuân)”.

Còn PGS.TS Trần Văn Toàn cũng chia sẻ thêm: “Lịch sử nhiều khi tiến hóa cắc cớ, không đi theo con đường của kẻ sĩ mà rẽ theo lối bụi bặm. Văn nhân mới trong Chuyện phố được nhìn nhận lại, tầng lớp tinh hoa được xây dựng khác, như là một thế hệ mới đáng suy ngẫm. Đây đích xác là tiểu thuyết có nhiều sức gợi”.

z5283951197127_102c565b6613a99593941454ff8647ee.jpg
Buổi tọa đàm thu hút nhiều học giả và bạn đọc trẻ đến tham dự.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về Chuyện phố của Phạm Quang Long như GS.TS Trần Nho Thìn, nhà nghiên cứu Trần Hinh, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, TS. Trần Ngọc Hiếu và đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội,... Các ý kiến, trao đổi đã góp phần giải mã bức tranh đô thị đa chiều kích cùng thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long.

z5283951643037_3c8116790930e00a69db63f87b300695.jpg
PGS.TS Phạm Quang Long xúc động chia sẻ niềm hạnh phúc trong buổi tọa đàm.

Có mặt tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Long đã bày tỏ sự xúc động và hạnh phúc trước được không khí ấm áp của buổi tọa đàm với của sự hội tụ là các thầy cô giáo cũ, đồng nghiệp, bạn bè và độc giả trẻ. Tác giả chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình, những may mắn và sự biết ơn về con người, nơi chốn mà mình đã đi qua. Chia sẻ của tác giả giúp bạn đọc cũng được tiếp cận “sâu sắc” hơn chân dung một nhà văn “độ lượng, mực thước, chỉn chu trong từng con chữ” (nhà LLPB Bùi Việt Thắng)./.

Hương Giang