Nhịp sống Hà Nội

Lặng lẽ Đường Lâm

Thạch Thảo 25/03/2024 09:55

Là ngôi làng cổ đầu tiên được công nhận di tích quốc gia, Đường Lâm tiêu biểu cho kiến trúc, cảnh quan, văn hóa của những làng quê Bắc Bộ xưa kia. Đến Đường Lâm, giống như đang trải qua một chuyến du hành ngược thời gian về quá khứ. Cây đa, bến nước, sân đình, chùa, quán… khung cảnh của những làng quê Bắc Bộ cổ xưa như vẫn nguyên vẹn ở nơi đây.

z5267203331023_07684bdecfc3fe6f6bc117cfab7d4d91.jpg

Nằm bên hữu ngạn sông Hồng thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, làng cổ Đường Lâm được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư là nơi sinh của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền.

z5267200040321_3004326dd94336071bd94f07d97e04d3.jpg

Cổng làng Mông Phụ, công trình được coi là một phần linh hồn của làng cổ Đường Lâm, được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và kết cấu đá ong mang đậm nét văn hóa kiến trúc thời nhà Lê. Đây là một trong những cổng làng cổ đẹp nhất Việt Nam đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh.

z5267206851598_77a77d4a57aea47f23f1ec9aa3d551a5.jpg

Đình Mông Phụ, được xây dựng từ năm 1684 dưới đời vua Lê Hiển Tông (có tài liệu ghi năm 1533 thời vua Mặc Đăng Doanh). Đình mang lối kiến trúc cổ, được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh, một trong bốn vị Thánh bất tử của tín ngưỡng Việt Nam.

z5267190662867_e20d2fb0a62928cd0cc3cb8d48b68857.jpg

Không chỉ nổi danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt "Một ấp 2 vua" mà Đường Lâm còn được biết đến là một trong số rất ít những ngôi làng cổ của Việt Nam mà hầu như chưa bị tốc độ đô thị hóa làm thay đổi nhiều.

z5267204188653_16a2a40ce9d53523c5364b276c1e8000.jpg

Đường Lâm giống như một bảo tàng sống của văn hóa nông nghiệp, nông thôn truyền thống Việt Nam.

z5281545373941_49bf246ff9cbc57762e379942fb2880c.jpg

Hàng trăm ngôi nhà cổ bằng gạch đỏ và đá ong hằn sâu dấu vết của thời gian tạo cho nơi này vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết tiêu biểu của xứ Đoài.

z5267193795271_1828bf914239f6b43c9a46c339750349.jpg

Ngoài hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền thì vùng đất cổ Đường Lâm còn sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng khác như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,..

z5267196855279_6e3da03e81faf533c31ecd03ac3f129e.jpg

Cùng với chè lam, kẹo lạc thì Đường Lâm cũng nổi tiếng với món tương nếp. Nghề làm tương ở Đường Lâm đã tồn tại từ xa xưa, cha truyền con nối. Nhà nào ít cũng có một vài chum, nhà nhiều thì vài chục, thậm chí hàng trăm chum tương.

z5281541013014_176e8cd4001efe66a2c6275551ceb4d3.jpg

Với người dân Đường Lâm, tương không chỉ đơn thuần là món ăn dân dã, thanh đạm mà xuyên suốt lịch sử tương đã trở thành một phần văn hóa gắn chặt với vùng đất cổ Đường Lâm như lời của câu ca:

Còn trời, còn đất, còn mây

Còn ao rau muống, còn đầy chum tương".

z5281571402549_f13c326d790701bf4796a2ad1284ba6b.jpg

Nghề làm tương ở Đường Lâm vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống tạo nên vị thơm ngon đặc biệt cho tương. Làm tương không chỉ phục vụ kinh tế mà còn là thứ đặc sản góp phần quảng bá du lịch, thứ quà quê được du khách rất ưa chuộng khi đến đây./.

Thạch Thảo