Văn hóa – Di sản

Công nhận Hát Kiều là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Việt Thương 15:23 22/03/2024

Tối ngày 21-3, tại thị xã Ba Đồn, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều.

101e7a9a6b4abd14e45b.jpg
Một trích đoạn trong hát Kiều của Câu lạc bộ hát Kiều xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình

Hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó khá phổ biến với đời sống tinh thần của người dân các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình.

Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò… tập trung ở các xã: Quảng Minh, Quảng Thủy (TX. Ba Đồn), Quảng Kim, Quảng Phương (Quảng Trạch) và Châu Hóa (Tuyên Hóa).

Hát Kiều mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng người Việt trên quê hương Quảng Bình. Nghệ thuật hát Kiều do con người sáng tạo và giữ gìn, trao truyền từ thời thế hệ này sang thế hệ khác.

Trải qua hàng trăm năm, hát Kiều là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tinh thần, là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Giá trị lịch sử của hát Kiều thể hiện qua những màn diễn, tích trò, câu hát, làn điệu.

Hát Kiều có lịch sử đầy biến động, thăng trầm. Để có được khoảnh khắc hôm nay là một quá trình đầy khó khăn với sự cố gắng bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và nhiều thế hệ nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Hát Kiều.

Với quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tham mưu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Hát Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Ngày 10-11-2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Việt Thương