Ngôi nhà số 44 phố Lê Thái Tổ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 18:13, 25/10/2020
Nhiều gia đình không có tiền xây nhà đành phải đứt ruột bán cho người Pháp. Đầu năm 1893, đường quanh hồ Hoàn Kiếm hoàn thành và ở phố Rue Jules Ferry xuất hiện nhiều nhà xây thấp tầng. Và Hàng Trống chỉ còn cái tên vì không còn ai làm trống và bán trống, nó thành con phố của người Pháp.
Ở số nhà 144 Rue Jules Ferry (nay là 44 Lê Thái Tổ, trụ sở Báo Hànộimới) có tòa soạn tuần báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) do thầu khoán chợ là Jules Cousin và nhà buôn F. Mainfroy sáng lập. Tuần báo chữ Pháp này xuất bản số đầu tiên vào ngày 14-6-1886. Trước đó, L’Avenir du Tonkin là công báo do Thống sứ Bắc Kỳ nắm giữ, xuất bản 3 tháng/kỳ và số đầu tiên ra ngày 15-12-1884.
Để chuẩn bị chuyển từ tuần báo sang nhật báo, năm 1900, trụ sở L’Avenir du Tonkin được xây mới. Người thiết kế là kiến trúc sư Auguste Henry Vildieu, ông này tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris, sang Việt Nam phụ trách các công trình dân sự Bắc Kỳ. Tòa nhà có ba tầng chính và tầng phụ áp mái để chống nóng với phong cách “kết hợp”, mái dốc bên trên giống nhà cổ miền Bắc nước Pháp, hai bên đổ mái bằng kiểu kiến trúc Địa Trung Hải. Mái thu vào, lợp đá đen từ vùng Anger bên Pháp. Kiến trúc sư đã thiết kế một cửa sổ hình tròn trên tầng áp mái, từ ô cửa này có thể bao quát toàn cảnh Hồ Gươm.
Mặt tiền cũng như tường hậu có nhiều đường nét uyển chuyển làm tòa nhà mềm mại. Hai ô cửa sổ tầng hai và cửa chính tầng ba có lan can sắt uốn cong vào bên trong, vừa để trang trí vừa tạo sự chặt chẽ trong bố cục và cũng làm duyên cho mặt tiền. Cầu thang, sàn tầng hai và ba, khung cửa kính và cửa chớp đều bằng gỗ lim dày dặn, chắc chắn. Sảnh tầng một trang trí bằng nghệ thuật Mosaic, những mảnh gốm nhỏ như viên xúc xắc tạo thành các hình khối khiến người vào thấy ấm cúng, vui mắt mà không khoe mẽ. Các phòng còn lại ở tầng một được lát đá thấm thủy để trời nồm mặt sàn không đọng nước. Vào những ngày mất điện, ở trong phòng cũng không có cảm giác nóng vì tòa nhà được thiết kế có tính tới khí hậu mùa hè miền Bắc.
Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, đây là công trình có kiến trúc đẹp nhất ở phía tây Hồ Gươm. Vì tòa nhà có kiến trúc quá đẹp nên thập niên 30 thế kỷ XX, cụ Cửu Nghi, một người giàu có ở 57B phố Hàng Bồ đã mô phỏng kiểu dáng để xây nhà mình. Người ta đồn đại vì cụ “trộm” kiểu của báo Tương lai Bắc Kỳ nên bị kiện ra tòa, và thua kiện nên phải bồi thường.
Tại lối ra vào tầng một, giữa hai cột thép có chữ A và T lồng vào nhau. Nhà báo Hoàng Phong (đã mất) khi còn làm ở Báo Hànộimới từng cho rằng hai chữ A và T có thể là viết tắt của chữ Action (hành động) vì phương châm của tờ báo này là “hành động”. Tuy nhiên, cũng có nhà báo cùng thời với ông lại đồ rằng, A&T là viết tắt của từ L’Avenir du Tonkin. Sau Cách mạng Tháng Tám, tòa nhà trở thành trụ sở Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh.
Ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô, tiền thân của Báo Hànộimới, ra số hằng ngày đầu tiên. Sau đó, Báo Thủ đô hợp nhất với Báo Hà Nội hằng ngày thành Báo Thủ đô Hà Nội. Cơ quan chủ quản của báo là Thành ủy Hà Nội. Đến năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội hợp nhất với Báo Thời Mới và lần này được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Hànộimới, trụ sở tại 44 Lê Thái Tổ. Báo ra hằng ngày 4 trang, xuất bản số đầu tiên vào ngày 25-1-1968. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Báo Hànộimới xuất bản đều đặn 4 ấn phẩm đến bạn đọc Thủ đô và cả nước, gồm Hànộimới hằng ngày, Hànộimới điện tử, Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay.
Năm 1994, tòa nhà có dấu hiệu xuống cấp nên Báo Hànộimới đã lập dự án xin phép Thành ủy được cải tạo. Sau khi được các cơ quan chuyên môn thẩm định, báo thực hiện sửa chữa. Cầu thang gỗ, sàn gỗ được thay bằng bê tông, cửa lim được thay bằng gỗ mới. Mặt tiền của tòa nhà vẫn giữ nguyên như kiến trúc ban đầu.