Bùi Đức với triển lãm 'Phù Điêu - Vẻ Đẹp Của Không Nghĩ'
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 00:21, 01/11/2020
Không gian buổi triển lãm
Đến năm 2015, Bùi Đức đột ngột rời Hà Nội lên Sa Pa sinh sống, đây cũng là khởi nguồn của những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Một mình, anh lang thang khắp các bản làng Sa Pa, say đắm với toàn bộ thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây, đó cũng là khi anh nhận ra mình khao khát làm một điều gì đó để tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp mộc mạc, độc đáo của văn hóa Tây Bắc. Điều gì đến phải đến, họa sĩ Bùi Đức đã bén duyên với nghề điêu khắc.
Với triển lãm “Vẻ đẹp của không nghĩ”, Bùi Đức muốn giới thiệu tới người xem 75 tác phẩm ảnh phù điêu gỗ với chủ đề về Tây Bắc. Mỗi phù điêu là một gương mặt. Những gương mặt anh gặp đâu đó trong đời, quen có lạ có. Không gương mặt nào thuộc về một nhân vật cụ thể. Mỗi gương mặt là một ấn tượng riêng đọng lại, thần thái, biểu cảm đều khác thường.
Bùi Đức chia sẻ tại buổi Triển lãm
Chia sẻ về chất liệu sáng tác của mình, họa sĩ Bùi Đức cho biết: “Tôi yêu Tây Bắc, tôi yêu văn hóa của đồng bào các dân tộc tại đây. Vì vậy, tôi sưu tầm những vật dụng sinh hoạt, nông cụ của đồng bào, thổi vào chúng cái hồn và tinh thần của tôi, tinh thần của nghệ sĩ để làm mới, ngợi ca nhưng không làm mất đi tinh thần văn hóa của chúng”.
Hơn 70 tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Đức được sáng tạo dựa trên những công cụ lao động (bằng gỗ) của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam. Phần lớn trong số đó là những chân dung, trên các trụ tròn có khi tạo hình kết hợp chân dung, hoặc sinh thực khí nam, nữ… các tác phẩm có điểm chút ít hoạ tiết lấy cảm hứng từ hoạ tiết của các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam, hoặc có khi là của chính hoạ sĩ ngẫu hứng tạo ra.
Có thể đặt để, hay tác động vào những công cụ lao động lên nước thời gian hồn cốt người lao động mà không làm mất đi tính tự nhiên của nó là điều rất khó (Bùi Đức đã có lúc chỉ biết ngắm nhìn và chiêm ngưỡng nó mà không dám nghĩ sẽ sáng tạo trên chính những công cụ lao động kia). Nhưng Bùi Đức đã thành công, ở nhiều bức chúng ta thấy những vết tích của những người lao động để lại đầy ngẫu hứng gây xúc động - giờ đây nó trở thành hoa văn đầy ẩn ý và sâu sắc rất ăn ý phối trợ tốt cho những phần tác động sáng tạo thêm của Bùi Đức. Có thể nói đó là nhạy cảm vượt trên những quy chuẩn mô phạm mà người nghệ sĩ muốn khẳng định vị thế độc lập của mình buộc phải vượt qua.
Tất cả các chân dung mà Bùi Đức sáng tác có hình thù vẹo vọ, tỷ lệ sai lệch, xộc xệch dù không cố ý nhưng chung một nhịp, bắt trúng cái động để đưa ra những biểu hiện cảm xúc với những khuôn mặt đang biến chuyển hết sức tự nhiên. Những chân dung động này là đáp án tốt nhất có thể phù hợp, vừa tôn vinh vừa hoà nhịp lại lấy được nguồn sống mãnh liệt qua thời gian của những công cụ lao động để tập hợp tạo nên sức sống mới. Chúng ta ngắm và được quyền trở về quá khứ để thấy một khuôn mặt khác tươi trẻ và những tâm trạng khác, ngược lại ta cũng có thể xuôi theo thời gian để thấy thêm những khuôn mặt mới. Những khuôn mặt ấy động cựa và thậm chí nó như cho chúng ta nhìn thấy sự biến hình, đổi dạng của chính khuôn mặt chúng ta sẽ qua thời năm tháng. Những khuôn mặt xộc xệch mất cân đối và tỷ lệ ấy giờ đẹp đến lạ thường, bình dị, thậm chí tàn úa mà mang vẻ đẹp lạ kỳ chứa nhiều triết lý tự nhiên không gò ép trong một thông tin hay thông điệp nhất định. Điều đáng chú ý là tất cả các khuôn mặt ấy tuyệt không nhìn thấy cái ác. Những khuôn mặt giàu cảm xúc và đầy lương thiện, đó là một thống nhất chung.
Một số tác phẩm Phù điêu của Bùi Đức tại triển lãm