Mùa xuân trong thơ Nguyễn Trác và Phạm Công Trứ
Sáng ngày 11/3/2024, tại 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Mùa xuân trong thơ Nguyễn Trác và Phạm Công Trứ”. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên.
Phát biểu đề dẫn cho buổi chuyên đề, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến- Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội cho biết: Chuyên đề lần này là sự tiếp nối chương trình sinh hoạt văn học hằng tháng theo định kỳ của Hội với hai nhà thơ thành danh đã khá nổi tiếng trong mấy thập niên gần đây: nhà thơ Nguyễn Trác và nhà thơ Phạm Công Trứ. Đây là dịp để các nhà văn, nhà thơ,nhà nghiên cứu phê bình cùng nhau trao đổi chia sẻ về những điểm mới trong đề tài mùa xuân và trong những tác phẩm văn chương của bạn viết.
Nhà thơ Nguyễn Trác và nhà thơ Phạm Công Trứ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và từng nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhà thơ Nguyễn Trác sinh năm 1945, tại Hà Nội; nguyên quán Hưng Yên; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Trung Trung Bộ và đã xuất bản 15 tập thơ. Nhà thơ Phạm Công Trứ sinh năm 1953, quê ở Nam Định. Trong cuộc đời sáng tác, nhà thơ Phạm Công Trứ đã xuất bản 6 tập thơ. Và tập “Thơ chùm sơ tuyển” là tập thơ mới nhất của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Tại buổi chuyên đề, nhiều văn nghệ sĩ, nhà phê bình đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về những tác phẩm thơ của hai tác giả. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, cả Nguyễn Trác và Phạm Công Trứ đều là những tác giả thế hệ “chín chậm”, “gối đầu chiến tranh sau hòa bình” nhưng có những thành tựu. Điều này hiện lên trên từng gương mặt riêng của Nguyễn Trác và Phạm Công Trứ. Thêm nữa, những tác phẩm của hai nhà thơ có chung cảm xúc, tức là đều nghiêng về những dấu vết cũ như nông thôn, thiên nhiên…
Chia sẻ riêng về nhà thơ Nguyễn Trác, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên gọi tên ông với kiểu cách: “lững thững một mình đi và viết”. “Với tư cách là một người nghệ sĩ ông đã tìm cho mình một lối đi riêng, ngõ hầu, có một tiếng nói cá nhân của mình trong đời sống thơ ca đương đại Việt Nam”. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng khẳng định: “Thơ Nguyễn Trác có phong vị, hơi thở của dòng sông trữ tình tự sự của những suy tư ngẫm ngợi và mang dấu ấn phong cách thơ anh”.
Có mặt tại buổi chuyên đề, nhà thơ Nguyễn Trác đã tỏ bày sự xúc động bởi đây là cơ hội để ông được lắng nghe và chia sẻ. Tác giả cũng bộc bạch thêm niềm băn khoăn về quá trình tiếp nhận các tác phẩm văn học hiện nay giữa thế hệ nhà thơ hậu chiến và bạn đọc trẻ. Những chia sẻ chân tình của tác giả đã khiến cho buổi chuyên đề có những phút lắng đọng và thức tỉnh.
Đến với “cây thơ” Phạm Công Trứ, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đánh giá: “Thơ Phạm Công Trứ rất nổi tiếng với chất chân quê và sự hài hước. Thời chúng tôi ai cũng thuộc “Lời thề cỏ may”, bởi bài thơ dân dã nhưng lại giàu sự nghiêm túc suy tư về cuộc đời”.
Đề cập tới đặc điểm thơ Phạm Công Trứ, nhà phê bình Văn Giá nhận định: “Trong thi pháp hiện đại, văn chương chấp nhận cái chỉnh thể như là cái toàn khối, và chấp nhận cả những bài thơ có thể trụ lại ở trong câu thơ hay. Phạm Công Trứ là người chơi cả hai và nổi bật nhất là những câu thơ xuất sắc”.
Ngoài ra, buổi sinh hoạt còn có thêm những chia sẻ của các nhà phê bình, nhà thơ khác về hai tác giả như: nhà thơ Vũ Nho, Nguyễn Thanh Kim…
Trong dòng chảy văn chương đương đại, Nguyễn Trác và Phạm Công Trứ là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ “tóc bạc mà hiện đại”, tạo ra được những dấu triện rất riêng, rất mới đầy cá tính của mình. Với quan niệm sáng tạo “bóc hết mình ra như trẻ con bóc chuối/ đập vỡ nhân tìm một vị bùi” của nhà thơ Nguyễn Trác và với “giọng điệu thơ hóm-hỉnh-ngùi-ngùi”(nhà phê bình Văn Giá nhận xét) của gã nhà quê ở phố Phạm Công Trứ, buổi sinh hoạt đã một lần nữa khẳng định vị trí hai nhà thơ trong văn chương Việt thế kỷ 21./.