Sự kiện & Bình luận

Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tôn vinh các nghệ sỹ bằng những danh hiệu cao quý

Phan Anh 12:43 06/03/2024

Sáng ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan liên quan đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ.

nsnd-2-1709692139173891548428.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ (ảnh: báo Tổ quốc)

Sự kiện được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc, qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ; góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Dự và chỉ đạo Lễ trao tặng có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú không chỉ là sự kiện mang tính nghi thức, còn là trách nhiệm của ngành. Đây là sự tôn vinh các nghệ sỹ thông qua danh hiệu cao quý, từ đó thúc đẩy năng lực sáng tạo, khát vọng cống hiến của văn nghệ sỹ.

Đồng thời, sự kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với văn nghệ sỹ, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng mang màu sắc mới mẻ, đảm bảo tính chính trị, nghệ thuật, ý nghĩa, tôn vinh sự cống hiến của các nghệ sỹ.

Gần 400 cá nhân được phong tặng là những nghệ sĩ tài năng, thuộc nhiều lĩnh vực. Đó là những nghệ sĩ đã cống hiến và đóng góp nổi trội cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, nhiều tên tuổi đã “nằm lòng” trong các thế hệ công chúng. Với họ, hạnh phúc là được phục vụ nhân dân.

Nghệ sĩ nhân dân cao tuổi nhất là NSND Hùng Minh - Diễn viên cải lương Thành phố Hồ Chí Minh, sinh năm 1930 (94 tuổi), NSND trẻ tuổi nhất là NSND Hoài Thu - Diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Hồ Ngọc Trinh - Diễn viên Nhà hát Cải lương Long An, sinh năm 1984 (40 tuổi).

Nghệ sĩ ưu tú cao tuổi nhất đối với nam là NSƯT Nguyễn Quý Hải, Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1932 (92 tuổi); đối với nữ là NSƯT Lê Mai, Nhà hát Kịch Hà Nội sinh năm 1939 (85 tuổi). NSƯT trẻ tuổi nhất đối với nam là NSƯT Vũ Thanh Tuấn, Diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam sinh năm 1990 (34 tuổi); đối với nữ là NSƯT Phạm Khánh Ngọc, Diễn viên Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sinh năm 1988 (36 tuổi).

Công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đã góp phần động viên, khích lệ các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, tạo ra nhiều chương trình, vở diễn, tiết mục có giá trị để phục vụ nhân dân./.

Phan Anh