Văn hóa – Di sản

Hội đánh cá thờ đền Và

Nguyễn Hữu Thức 08:00 03/03/2024

Đền Và thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Đền Và còn có tên gọi khác là Đông Cung, nằm trong tổng thể 4 cung thờ thánh Tản Viên.

tho-den-va.jpg

Hằng năm, đền Và có hai kỳ lễ hội: Ngày 15 tháng Giêng hội xuân và 15 tháng Chín hội đánh cá thờ (hội thu). Điểm đặc sắc, thú vị phải kể đến trong hội đền Và là hội đánh cá thờ vào mùa thu, bắt đầu vào sáng 14 tháng Chín và kéo dài sang ngày hôm sau.

Từ sớm ngày 14, mỗi người dân ở 5 thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai sẽ mang theo công cụ như nơm, vó, xúc… kéo nhau ra sông Tích (đoạn từ Thượng Câu Vàng - giáp xã Đường Lâm - đến Hạ Mả Mang - giáp thôn Ái Mộ) tự do đánh bắt cá. Mọi việc đều theo lệnh trống. Khi có lệnh “thu quân” (khoảng 11 giờ trưa) mọi người đều lên bờ đổ cá ra cho làng biết. Tất cả loại cá trắng to thì làng thu còn cá nhỏ thì ai nấy tự mang về nhà hưởng. Làng sẽ chọn ra 99 con cá trắng lớn nhất làm cỗ cá thờ đức Thánh ở đền Và. Vì vậy người ta gọi đây là hội đánh cá thờ hay hội đả ngư.

Toàn bộ số cá được các cụ chế biến thành các món luộc, nướng, gỏi cá và nham. Cá luộc sẽ được để vẩy, mổ bụng ra bỏ hết ruột rồi cho gừng vào và luộc. Cá nướng cũng được sơ chế tương tự như cá luộc, nhồi gừng vào bụng rồi chọn chỗ đất cao, sạch sẽ sau đó rải lá nghệ xuống, đặt cá lên, rồi úp lại cũng bằng lá nghệ. Sau đó lấy nồi gốm úp lên cá. Tiếp theo là phủ than hồng chôn kín nồi. Khi than tàn, mở nồi lấy cá ra. Cá được nướng khô và thơm mùi nghệ, ăn rất ngon. Món gỏi cá ở đây được đánh sạch vẩy, lóc phần nạc riêng, thái miếng đều nhau và trộn với hoa chuối đã được thái mỏng cùng với vừng giã. Vắt nước chanh tiếp tục trộn đều là thành gỏi. Món nham chính là nước chấm làm bằng ruột cá trộn với mật hoặc đường và gừng, sau đó đun sôi cho chín. Nước chấm này (nham) dùng cho 3 món cá trên.

Chế biến xong các món cá, người ta cho vào đĩa bát bày đều vào 10 tựa (10 mâm). Một mâm dành cúng Ông Táo (Trù táo, thần giữ bếp lửa). Còn lại 9 mâm thì được chia ra dâng cúng 3 mâm trước mỗi ngai của Tam vị Đức thánh Tản.

Sau một hồi trống chiêng báo, các cụ cao tuổi uy tín trong làng sẽ hành lễ tế cá, thành kính dâng lễ vật trước uy linh các thánh. Tế xong, khi tàn nén hương, mọi người mới vui vẻ cùng thụ lộc tại đền với món lễ vật đặc sản này.

Theo lệ từ xưa, tục ở đền Và quy định cơm ăn/ cỗ cúng tại đây không được dùng muối, mà phải ăn nhạt. Và ăn xong, quan viên uống nước ăn trầu (gồm trầu không, vỏ quạch, cau nhưng không có vôi). Những ai dự cỗ ở đây đều được nghe câu “Hội đền Và trầu không vôi, xôi không muối”. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thấy tài liệu chính thống nào ghi chép về nguồn gốc của tục lệ này.

Ngoài ra, theo tài liệu lưu trữ tại đền, xưa lệ cúng thánh Tản còn có 2 mỏ vịt, 4 mỏ gà và khoảng 15 đấu xôi. Những hèm và tục này cũng vì đã lâu ngày, đến cả các cụ cao niên trong vùng cũng không còn hiểu lý do nữa.

Riêng hội đánh cá thờ và tiệc cá thì được truyền miệng dựa vào truyền thuyết sau: Lần ấy Thánh Tản Viên du ngoạn tới cầu Cộng (xã Trung Hưng) thì gặp cụ già kiếm cá bên sông. Nhưng suốt buổi cụ bắt cá (bằng vợt) mà chẳng được con nào. Đang lúc cụ nản lòng và mệt mỏi thì Tản Viên tới. Thương ông cụ, Thánh Tản dạy cụ chuyển vợt thành vó gai, làm càng và cán vó bằng tre và đưa vó ra xa bờ nước. Có vó rồi, Tản Viên kéo thử một lần. Nào ngờ, vó cất nặng tay, mẻ cá được tới 100 con. Ngài thấy một con cá trê chửa bụng to lắm bèn phóng sinh, thả xuống nước. Cụ già vô cùng cảm phục và thỉnh cầu ngài dạy cho cách đánh bắt cá. Thánh Tản vui vẻ lưu lại, dạy cụ già cách chế biến thành các món ăn ngon như: cá luộc, cá nướng, gỏi và nham chấm. Và do vội làm cá ngay bên bờ nước, nhà xa không tiện về lấy muối nên các món đều ăn nhạt! Đến khi ăn cá xong, nhạt miệng, thánh lại mách bảo cụ già tìm lá trầu, cau tươi, đẽo vỏ cây quạch cho vào miệng nhai bỏm bẻm, gọi là ăn trầu. Cụ già càng nhai trầu càng thấy người bừng nóng, vui vẻ, miệng lại thơm tho, không còn mùi tanh cá nữa. Từ đó dân trong vùng biết đánh cá bằng vó và ăn trầu./.

Nguyễn Hữu Thức