Người nặng lòng với nghề thủ công mỹ nghệ
Đến với mỹ thuật từ những năm tháng tuổi trẻ, gắn bó và say mê đằng đẵng mấy chục năm với nghề thủ công mỹ nghệ, cái tên Vũ Hy Thiều đã trở nên thân thuộc với người trong giới. Những đóng góp của họa sĩ, chuyên gia mỹ nghệ thủ công Vũ Hy Thiều trong việc nghiên cứu, lan tỏa giá trị thủ công mỹ nghệ đã minh chứng cho một tấm lòng luôn thiết tha và đau đáu với nghề thủ công truyền thống của cha ông.
1. Sinh năm 1945 ở Hà Nội, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Vũ Hy Thiều đã thích làm thủ công. Và cũng thật may mắn, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Vũ Hy Thiều đã được sự dìu dắt của những người thầy giỏi chuyên môn và vô cùng tâm huyết. “Thầy Bốn từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là người đã mở lối đầu tiên cho tôi đến với mỹ thuật. Ngày đó, ở trường hằng tuần chúng tôi đều có các tiết mỹ thuật, nhưng các thầy dạy rất bài bản và đặc biệt chú ý đến năng khiếu của học sinh. Biết tôi thích và say mê với môn học này, thầy luôn khích lệ động viên hướng dẫn chi tiết cách vẽ hình họa, trang trí...”, họa sĩ Vũ Hy Thiều nhớ lại.
Thời kỳ học phổ thông, vì say mê mỹ thuật nên cứ biết ai trong nghề là họa sĩ Vũ Hy Thiều tìm đến. Biết họa sĩ Phạm Gia Giang (bố của người bạn cùng lớp) là họa sĩ, nên thi thoảng sau giờ học là Vũ Hy Thiều theo bạn về nhà. Có khi chỉ là tranh thủ xin họa sĩ những nhận xét cho bản vẽ của mình, hay say sưa nhìn ông vẽ. Ông còn học hỏi rất nhiều từ họa sĩ Phạm Hậu, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng những kiến thức về hội họa và cả niềm say mê nghệ thuật.
Thi đỗ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Vũ Hy Thiều đã trải qua những năm tháng sinh viên đầy sôi nổi. Sau khi tốt nghiệp (năm 1966), như bao thanh niên ngày ấy, ông khoác ba lô lên đường ra chiến trận. Cho đến bây giờ những năm tháng ở chiến trường vẫn còn in sâu trong ký ức của ông. Ông vẫn nhớ những kỷ niệm ở vùng đất ở Bình Thuận – một tỉnh khó khăn nhất của chiến trường miền Nam khi ấy. 8 năm gắn bó ở nơi này, ông vừa làm báo, vừa viết, vừa vẽ. Nào làm bản tin tuyên truyền cho tỉnh Bình Thuận, nào viết truyền đơn, trang trí hội trường... “Chiến trường ác liệt, có những thời điểm khó khăn, cả mấy chục ngày liền chúng tôi không có gì để ăn, đành phải qua bữa với củ sắn, lá rừng và măng”, họa sĩ Vũ Hy Thiều nhớ lại.
Năm 1974, được Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận cử đi học ở trường Tuyên huấn Trung ương ở Tây Ninh, Vũ Hy Thiều lại lên đường vác theo chiếc ba lô với chiếc máy in và máy chữ. Sau đó, ông được điều động vào Sài Gòn gắn bó với báo Sài Gòn giải phóng với vai trò của họa sĩ thiết kế, rồi tiếp đó là báo Giải Phóng.
2. Đặc thù công việc không cho phép được thỏa sức với cây cọ và giá vẽ, nhưng tình yêu với hội họa như một mạch ngầm bền bỉ trong con người của họa sĩ Vũ Hy Thiều. Cũng bởi thế khi trở về Hà Nội, theo học trường Tuyên huấn Trung ương và sau đó (năm 1981) được giao trọng trách Phó Viện trưởng Viện Thủ công mỹ nghệ trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Thủ công nghiệp, và tiếp đó (từ năm 1990 – 2005) phụ trách Viện Kinh tế thuộc Liên minh Hợp tác xã, ông lại có dịp phát huy nhiều hơn những kiến thức nền tảng về mỹ thuật trong công tác quản lý.
Tâm huyết, đam mê với nghề thủ công mỹ nghệ, họa sĩ Vũ Hy Thiều đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng cho việc gìn giữ bảo tồn và phát triển thủ công mỹ nghệ thông qua các nghiên cứu, khảo sát, kết nối các doanh nghiệp; tham vấn cho Bộ Thương mại, Bộ công thương về định hướng phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ; thẩm định giáo trình, tham gia công tác giảng dạy cho các sinh viên các trường đại học; bồi dưỡng kiến thức thẩm mỹ và kỹ năng thiết kế cho nghệ nhân ở các làng nghề…
Họa sĩ Vũ Hy Thiều chia sẻ, hơn 40 năm gắn bó với thủ công mỹ nghệ, ông chẳng nhớ hết đã tới bao làng nghề khắp dặm dài đất nước, gặp gỡ bao nghệ nhân. Mỗi chuyến đi, mỗi lần gặp gỡ lại tiếp thêm cho tình yêu với nghề cũ của cha ông và cả những đau đáu khôn nguôi khi nghề truyền thống đang dần mai một.
Trong căn nhà nhỏ trong ngõ Thụy Khuê, họa sĩ Vũ Hy Thiều vừa giới thiệu cho tôi những món quà thủ công mỹ nghệ mà các nghệ nhân đã yêu mến dành tặng cho mình, vừa nhắc nhớ lại kỷ niệm năm xưa. Ông nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) cả cuộc đời nghèo khổ nhưng vẫn bám trụ giữ nghề; tới nghệ nhân Nguyễn Tiến Tòng với với sản phẩm thủ công con trâu làm bằng tre rất độc đáo từng mở lớp đào tạo nhưng không mấy người mặn mà “tiếp bước”; rồi những người “giữ lửa” của làng nghề thêu, đậu bạc, gốm sứ, đúc đồng…
3. “Việt Nam hiện có hàng trăm nghề thủ công khác nhau, hầu hết đều có truyền thống từ lâu đời. Có những nghề đã phát triển từ mấy nghìn năm trước như đúc đồng, gốm, dệt, đan mây tre…, có những nghề phát triển rực rỡ trong khoảng 6, 7 thế kỷ nay như điêu khắc, thêu, chạm bạc, khảm trai…, cũng có những nghề mới hình thành từ mấy chục năm như ren, dệt thảm, hoa lụa… Các nghề thủ công truyền thống đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như trống đồng, điêu khắc gỗ và đá, tượng sơn mài, đồ gốm… đang lưu giữ trong các đình, chùa, bảo tàng và sưu tập cá nhân. Các nghề thủ công truyền thống còn lưu truyền lại cho đời sau cả một hệ thống kỹ thuật làm nghề, với những kinh nghiệm phong phú và bí quyết riêng của từng làng nghề; để lại hàng vạn mẫu sản phẩm tinh tế, đẹp mắt, tiêu biểu cho nghề mà người thợ thủ công Việt Nam vẫn đang dựa vào đó để sản xuất”, họa sĩ Vũ Hy Thiều nhận định.
Tự hào là vậy nhưng ông không khỏi đau đáu trước những thách thức mà nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang phải đối mặt. Theo họa sĩ Vũ Hy Thiều, giá trị thủ công mỹ nghệ Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao nhưng chính chúng ta lại chưa coi trọng đầu tư. Có nhiều nơi, đất khu làng nghề đã phải nhường chỗ cho khu công nghiệp. Công tác đào tạo, truyền nghề còn nhiều hạn chế. Việc tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề đang gặp nhiều khó khăn. Đáng nói là vấn đề đào tạo, truyền nghề còn nhiều bất cập. Nhiều nghệ nhân già yếu qua đời mà chưa kịp truyền được bí quyết cho thế hệ sau. Đó là chưa kể tới các các yếu tố về thẩm mỹ, kỹ năng thiết kế sản phẩm vẫn đang là những điểm yếu chưa được khắc phục…
Cũng bởi thế mà mỗi lần được mời trao đổi tại các diễn đàn, hội thảo hay tọa đàm… là chuyên gia Vũ Hy Thiều lại “dốc lòng” gửi gắm những trăn trở, hiến kế những đề xuất. Ông nhắc tới sự cấp thiết phải xây dựng bảo tàng nghề thủ công; nhấn mạnh nghề thủ công phải được nhìn nhận là sự kết hợp giữa kinh tế và văn hóa, từ đó có sự đầu tư xứng đáng; khẳng định sự quan trọng cần đầu tư cho đào tạo của các nghệ nhân để khuyến khích họ truyền nghề cho lớp trẻ; và đặt vấn đề về việc nâng cao thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Ở tuổi xế chiều, tưởng như năng lượng làm việc đã vơi cạn, thì chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều vẫn say mê và miệt mài cống hiến, từ giảng dạy, tư vấn, thẩm định… Cứ nghệ nhân nào cần, đơn vị, địa phương nào nhờ là ông lại lên đường. Có lẽ đó cũng chính là cách để ông lan tỏa giá trị tinh hoa của nghề truyền thống và thỏa niềm say mê với nghệ thuật của mình./.