Văn hóa – Di sản

Lễ cúng mía tấm ở đền Ba Voi

Giang Văn Hồi 07:59 03/03/2024

Phía nam cầu Phủ Lỗ, giáp ngay mé nước thuộc đất của xóm Nguyễn, thôn Tiên Hùng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh có một ngôi đền gọi là đền Ba Voi. Theo cuốn “Trương Tam Giang thánh tích” của tác giả Nguyễn Thọ Dẫn viết vào giữa thế kỷ XVIII nói về sự tích thánh Tam Giang có một chuyện liên quan đến sự tích của đền Ba Voi.

Chuyện kể rằng: Vào giữa thế kỷ thứ VI, có cô Trương Nhan nết na xinh đẹp sống ở một làng ven sông Nguyệt Đức. Một lần, vào buổi trưa trời nắng, cô ra bến sông tắm gội. Bỗng nhiên trời tối mịt mờ, cô thấy giao long xuất hiện vờn nhiễu quanh mình. Sau đó cô thụ thai, sinh ra một bọc có bốn trứng, nở ra bốn người con, ba trai một gái, cô đặt tên cho con là: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng và Trương Đạm Nương. Ba người con trai lớn lên rất khỏe mạnh và tinh thông võ nghệ. Sau đó, cả ba người đến đầm Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) theo Triệu Quang Phục, trở thành tướng giỏi góp phần quan trọng vào việc đánh tan quân nhà Lương giành lại độc lập cho nước Vạn Xuân năm 550. Triệu Quang Phục lên làm vua, hiệu là Triệu Việt Vương. Sau 20 năm cầm quyền, đến năm 571, cháu của Lý Bí là Lý Phật Tử đem quân tiêu diệt Triệu Quang Phục, giành lại vương triều cho họ Lý. Lý Phật Tử lên làm vua nước Vạn Xuân, lấy hiệu là Hậu Lý Nam Đế, ở ngôi từ năm 571 đến năm 602.

den-ba-voi.jpg
Đền Ba Voi

Trước biến cố đó, ba anh em họ Trương đã trốn vào rừng núi Tam Đảo làm ruộng. Nhưng triều đình Hậu Lý Nam Đế rất cần người tài giỏi nên Lý Phật Tử đã cho người lên Tam Đảo ép ba anh em họ Trương phải tham gia việc triều chính. Vốn rất trung thành với Triệu Quang Phục nên họ đã kiên quyết chối từ. Nhưng Lý Phật Tử vẫn cố nài ép, ba anh em họ Trương đành giả vờ nhận lời. Họ đóng một chiếc thuyền lớn, đem cả gia quyến cùng voi chiến lên thuyền. Thuyền xuôi theo dòng sông Nguyệt Đức. Khi đến cầu Phủ Lỗ ngày nay, thấy ở bờ sông phía nam là một cánh rừng bạt ngàn cây lá, họ đã dừng thuyền cho voi ăn. Những chú voi đã cùng anh em họ Trương bao lần xông pha trận mạc, ở thuyền mấy ngày, nay được thả lên rừng, chúng thản nhiên say sưa ăn lá. Ba anh em họ Trương lặng lẽ cùng gia quyến xuống thuyền xuôi theo dòng Nguyệt Đức. Khi đến ngã ba Sà, sông nước mênh mông, họ đã đục thủng thuyền cùng tuẫn tiết dưới dòng nước bạc.

Hồn thiêng của họ sau đó đã hiển linh phù giúp cho dân hai bờ sông Nguyệt Đức được an cư lạc nghiệp; phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân; phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng Hầu Nhân Bảo năm 981; phù giúp Lý Thường Kiệt đánh tan Quách Quỳ, Triệu Tiết vào năm 1078... Chính vì những công đức như vậy mà ba anh em họ Trương đã được 321 làng xã từ thượng nguồn Đu Đuổm đến hạ lưu Lục Đầu Giang ngưỡng mộ tôn thờ làm Thành hoàng với tên dân gian là thánh Tam Giang.

Lại nói về ba con voi chiến của ba anh em họ Trương. Sau khi ăn no, chúng đi tìm chủ. Tìm mãi chẳng thấy chủ đâu, chúng gầm rú, nhịn ăn đứng ngóng theo dòng nước chảy xuôi cho đến lúc cả ba cùng chết. Dân chúng quanh vùng vô cùng thương cảm những con voi hiền lành mà trung nghĩa. Đến khi biết ba anh em họ Trương tuẫn tiết đã hiển thánh, họ bèn lập đền thờ Thánh Tam Giang đồng thời lập luôn ban thờ ba ông voi, rồi đắp tượng ba ông voi to bằng voi thật đứng song song chầu vào đền. Vì thế người ta gọi là đền Ba Voi. Năm 1076, khi xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt chống quân Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt có vào đền Ba Voi nghỉ chân. Sau khi nghe dân ở đây kể về sự tích ba ông voi nghĩa của thánh Tam Giang, Thái úy Lý Thường Kiệt rất cảm động và tặng cho đền đôi câu đối:

Nhất môn trung liệt tam huynh đệ

Sinh vi lương tướng tử vi thần

Tạm dịch:

Một gia đình có ba anh em đều là trung liệt

Khi sống là tướng giỏi, khi chết là thần linh

Sau khi cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, quan Thái úy đã cấp tiền cho dân sở tại sửa sang, mở rộng ngôi đền Ba Voi. Ngày nay, những viên gạch vương vãi quanh đền vẫn còn ghi niên đại chế tác vào thời Lý.

Đền Ba Voi có từ thế kỷ thứ VI, qua rất nhiều lần trùng tu, đến năm 1949, giặc Pháp đã phá đền để lấy gạch xây bốt Phủ Lỗ.

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, sau năm 1975, nhân dân thôn Tiên Hùng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh đã đóng góp tiền xây dựng lại ngôi đền trên nền cũ rất khang trang, lộng lẫy. Ba ông voi được tạc bằng đá xanh, to bằng voi thật, đứng song song chầu vào đền thờ Thánh Tam Giang. Hằng năm, vào ngày hội đền Ba Voi, các nghi lễ phụng thờ Thánh Tam Giang được cử hành ở trong đền. Ở ngay sân đền, các cụ làm lễ ba ông voi chiến; lễ vật là ba cây mía to đẹp, không sâu muội do các gia đình trong thôn tự nguyện công đức. Mấy năm gần đây, việc này do chị Loan, bán mía ở đầu cầu Phù Lỗ đảm nhận. Mía được chặt thành từng tấm, mỗi tấm dài khoảng 20cm, rửa sạch, rồi bày lên ba chiếc đĩa, mỗi đĩa khoảng hơn chục tấm để dâng lên cúng ba ông voi. Nếu năm nào mía mất mùa thì dâng lễ mỗi ông voi một đĩa thóc.

Lễ cúng mía tấm cho voi đã có từ xa xưa, bị gián đoạn trong chiến tranh, đến nay lại được khôi phục một cách nghiêm cẩn trong lễ hội đền Ba Voi. Nghi thức đó thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn, tôn vinh sự trung thành, hy sinh tất cả, chứ quyết không chịu luồn cúi trước cường quyền, bạo lực. Những con vật hữu tình như voi, ngựa cũng được tôn thờ./.

Giang Văn Hồi