Thế giới điện ảnh

Điện ảnh và khán giả - “Mối tình chung thủy”

Vân Thảo thực hiện 01/03/2024 07:44

Phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế, đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn là một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Để đạt mục tiêu này không chỉ cần sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các nhà hoạt động điện ảnh, doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành phim mà còn cần đến khán giả.

Sự ủng hộ của người xem dành cho bộ phim, được đo bằng số lượng người xem, doanh thu phòng vé và cả ý kiến khen chê góp ý của khán giả sẽ là động lực để các nhà làm phim hoàn thiện hơn nữa trong các dự án tiếp theo của họ. Những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng; diễn viên, nhà sản xuất phim Đinh Ngọc Diệp; đạo diễn, nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần (Dan Trần) với Tạp chí Người Hà Nội dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

PV: Có nhà làm phim mong muốn làm ra những bộ phim để phục vụ bản thân, theo sở thích của mình, có nhà làm phim sẽ làm phim vì khán giả, phục vụ khán giả. Anh/ chị thuộc “trường phái” nào?

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi nghĩ nhà làm phim hay nghệ sĩ nào cũng muốn làm cái gì đó mà mình trăn trở. Mỗi người một góc nhìn, mỗi người một cách kể chuyện, quan trọng là xác định được cái tôi của mình phù hợp với đối tượng nào thì chọn đi theo con đường đó. Có lẽ hiện nay tôi hợp với thị hiếu đại chúng nên tôi chọn con đường làm phim thương mại. Như với “Đất rừng Phương Nam” chẳng hạn, tôi muốn làm một bộ phim lớn, hoành tráng phục vụ mọi lứa tuổi, bởi vì tính nghề nghiệp cần như vậy. Rồi đến lúc chúng ta cần những phim phức tạp hơn, đề tài khác hơn như các phim thương mại thành công trước đây và cũng vì đến lúc khán giả đại chúng cần những “món ăn” khác nhau. Tôi quan niệm thị trường phải đa dạng thì mới phát triển được.

da1.jpg
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Diễn viên, nhà sản xuất phim Đinh Ngọc Diệp: Có lẽ tôi sẽ lấy ví dụ từ “Người vợ cuối cùng”, bộ phim mới nhất của chúng tôi để trả lời câu hỏi của bạn. Đầu tiên xuất phát từ quan điểm làm phim của anh Victor Vũ. Đó là luôn đi theo hai chữ “đam mê”, bởi nếu anh không say đắm câu chuyện, không khát khao kể nó cho khán giả, thì chắc anh sẽ không đủ động lực để làm nên bộ phim. “Người vợ cuối cùng” được lấy cảm hứng từ cuốn “Hồ oán hận” - tiểu thuyết tâm linh trinh thám của tác giả Hồng Thái - vốn là thể loại mà anh Victor tâm đắc nhất. Thế nhưng trong quá trình phát triển kịch bản, anh lại thấy tình yêu của 2 nhân vật chính mới là phần hồn của tác phẩm. Vậy nên dù đã viết đến phiên bản thứ 5, anh vẫn mạnh dạn hi sinh thể loại mình yêu thích, bỏ luôn cả yếu tố giật gân ăn khách, để viết lại một kịch bản hoàn toàn mới theo hướng tâm lý chính kịch một cách mộc mạc nhưng giàu cảm xúc.

da2.jpg
Diễn viên, nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp.

Victor tâm sự: “Anh thấy con người thời nay mất kết nối với nhau, ngồi đối diện, sống chung nhà mà chưa thực sự trọn vẹn ở bên nhau. Anh muốn kể câu chuyện về những người yêu thiết tha mà không thể đến với nhau được, để biết đâu đấy chúng mình ở thời nay có thể quan chiếu lại giá trị cuộc sống. Thời bây giờ, chúng mình đa phần yêu thì chủ động tìm đến, không yêu thì mạnh dạn chia tay, bị bạo hành thì nhờ pháp luật xử lý, chứ đâu có khổ nhiều như người thời trước…” Nghe anh nói vậy, tôi hiểu rằng hi sinh yếu tố ăn khách để bảo vệ điều giản dị mà ý nghĩa là lựa chọn đầy mạo hiểm, anh Victor đã rất quyết đoán thực hiện. Bởi với anh, những tình huống bất ngờ, gay cấn dù có nhiều nhưng nếu cảm xúc không chạm tới được người xem thì sẽ mất đi ý nghĩa, giá trị của chi tiết tình huống đó. Giữa một bộ phim ngầu mà nặng nề, u ám với một phim lãng mạn sâu lắng nhưng có ý nghĩa lay động đến lòng người, anh ấy chọn vế sau. Và tôi hoàn toàn ủng hộ anh.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần: Cá nhân tôi thật sự không có nhu cầu làm phim để phục vụ bản thân. Tất cả các phim của tôi làm là để phục vụ khán giả, và tôi luôn trăn trở về việc phát triển mục tiêu làm phim phục vụ khán giả. Có thể tôi sẽ thích xem các phim khác với những phim tôi làm, với một phong cách khác, mang dấu ấn cá nhân riêng biệt. Nhưng đó chỉ là sở thích xem phim chứ không phải tôi sẽ đi theo xu hướng đó, làm những phim như vậy cho mình xem. Đơn giản là vì những phim này nhiều khi có khả năng chỉ có một mình mình xem.

da3.jpg
Đạo diễn, nhà sản xuất Trần Trọng Dần.

PV: Trong hành trình đến với khán giả, như là “làm dâu trăm họ”, mỗi bộ phim đều phải chấp nhận những ý kiến nhận xét khác nhau, có khen, có chê. Các anh, chị đón nhận ý kiến phản hồi của khán giả như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi không phải là người mới làm phim, nhưng quả thật việc "Đất rừng phương Nam" trải qua cơn bão dư luận đã ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống cá nhân và quan điểm làm phim của tôi. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, nhìn lại mọi chuyện để rút kinh nghiệm và thật lòng cũng hơi e ngại với các dự án có độ khó tương tự đã được lên kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Tất nhiên bây giờ chưa nói gì được, vì tôi chưa thoát hẳn ra khỏi “cơn bão” này.

Diễn viên, nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp: Chúng tôi chỉ có một nguyên tắc: phim đang sản xuất là của đạo diễn, phim đã ra rạp thì khen chê thuộc về khán giả, và mọi lời khen - chê đều có lý do riêng của người xem nên cần được lắng nghe. Trước dư luận nhiều chiều, chúng tôi luôn tiếp nhận mọi đánh giá, dù là ý kiến nhỏ nhất để rút ra nhiều bài học cho con đường phía trước và nhà làm phim sẽ không tranh cãi với khán giả dù bất cứ lý do gì.

da4.jpg

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần: Vì tôi quan niệm làm phim cho khán giả, phục vụ khán giả nên tôi tôn trọng và lắng nghe mọi ý kiến góp ý, khen chê của họ. Tuy vậy, mình vẫn cần "bộ lọc" để sau đó đưa ra các quyết định sáng suốt để mọi thứ tốt đẹp hơn. Người làm phim giống như người làm kinh doanh, phải nghiên cứu thị trường, thăm dò lắng nghe ý kiến từ người tiêu dùng là khán giả. Và tất nhiên, cũng phải chấp nhận thất bại ở lần đầu tiên và thậm chí là nhiều lần tiếp theo.

da5.jpg
Một cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”.

PV: Các anh/ chị có nhận xét gì về “gu” thưởng thức phim Việt Nam của khán giả Việt Nam hiện nay?

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Khán giả Việt Nam giờ được xem hầu hết những sản phẩm giải trí hàng đầu thế giới, nên thẩm mỹ họ cao lên mỗi ngày và cũng khó tính hơn. Tôi nghĩ khi chúng ta làm ra sản phẩm nào cũng vậy, sự khó tính của khách hàng là thử thách và cũng là điều làm cho chúng ta phải cố gắng mỗi ngày.

Diễn viên, nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp: Theo tôi, đông đảo khán giả ngày nay hình thành văn hóa xem phim tại nhà. Phân khúc khán giả có thói quen ra rạp ngày càng giảm, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn. Họ có xu hướng chỉ chọn những bộ phim hạng nhất, hàng đầu, các phim bom tấn được mong chờ nhất và thực sự hấp dẫn họ. Có khá ít chỗ cho những phim nhỏ, với chất lượng trung bình khá. Tuy nhiên khán giả Việt luôn mong chờ những bộ phim đặc sắc với đề tài mới.

da6.jpg
Một cảnh trong phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần: Tôi thấy khán giả muốn được nhìn thấy mình trên màn ảnh, thích cảm thấy quen thuộc và gần gũi với nhân vật, và thấy văn hóa Việt Nam trong phim. Khán giả thích có bài học nhân văn trong phim, muốn phim kết có hậu, nhưng họ luôn ủng hộ các sáng tạo và những cái mới mẻ trong phim. Tiên đoán “gu” thưởng thức của khán giả quả là bài toán khó vì những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn xem phim của họ vẫn thay đổi thường xuyên. Thực tế thì khán giả chỉ xem những gì họ muốn xem, và đây là điều khó nắm bắt được.

PV: Theo anh/ chị vì sao một số bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, được làm trong điều kiện không được thuận lợi như hiện tại lại có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội? Bí quyết để một bộ phim đến được với khán giả?

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Mỗi thời có một thuận lợi và khó khăn riêng. Thời của các bậc cha chú, tuy điều kiện làm phim còn nhiều khó khăn về vật chất nhưng ít cạnh tranh. Bây giờ điều kiện tốt hơn, nhưng cạnh tranh lại cao hơn. Ví dụ như thời bao cấp, có một chiếc xe đạp Thống Nhất là hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ chúng ta có VinFast nhưng lại có thêm BMW hay Tesla để so sánh. Cuộc sống là vậy.

Diễn viên, nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp: Theo tôi, một bộ phim đến được với khán giả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người làm phim, thái độ và cảm xúc tinh thần làm việc của người làm phim với bộ phim. Đó là luôn đi theo hai chữ “đam mê”, bởi nếu không say đắm câu chuyện, không khát khao kể nó cho khán giả, thì chắc các nhà làm phim sẽ không đủ động lực để làm nên một bộ phim chạm vào trái tim người xem. Bởi xét cho cùng, sợi dây kết nối giữa con người với con người chính là cảm xúc và lòng thương yêu.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần: Có lẽ, điều duy nhất người làm phim cần phải làm là trung thực với bản thân khi làm phim. Tôi nghĩ khán giả muốn xem những bộ phim được làm với cá tính và khả năng của người làm phim, qua con mắt và trái tim của tác giả, thay vì cố gắng làm cho giống như người khác. Mỗi người làm phim có thể sẽ tìm ra cách riêng để đưa tác phẩm đến được với khán giả. Tôi nghĩ những thứ họ cần phải làm sẽ không nhất thiết giống nhau. Một bộ phim được khán giả yêu chuộng có thể là bất cứ thể loại gì. Có nhiều cách kể chuyện, nhiều cách quay, cách dựng, với kinh phí khác nhau. Một phim nhỏ độc lập có thể vẫn đem đến khán giả nhiều sự hứng thú tương đương với những phim bom tấn của các hãng sản xuất lớn. Cho nên nhiều khi công thức hiệu quả nhất là không có công thức gì hết./.

Công thức để làm phim ăn khách là gì? Đó là câu hỏi không dễ trả lời ngay cả đối với những nền điện ảnh phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Thực tế cho thấy nhiều phim bom tấn của Hollywood, được đầu tư kinh phí cao, với dàn diễn viên ngôi sao… lại chịu thất bại thảm hại ở phòng vé. Cũng như vậy, có không ít phim đạt giải thưởng cao tại các Liên hoan phim danh giá trên thế giới nhưng khi công chiếu thương mại lại bất ngờ bị khán giả quay lưng. Đổi lại, có nhiều phim độc lập, kinh phí nhỏ và vừa, với những diễn viên mới, không chuyên lại bất ngờ làm “nên chuyện” tại các phòng chiếu vốn dĩ chỉ dành cho khán giả yêu thích phim giải trí. Điều đó cho thấy, để bộ phim đến với khán giả đã khó, để phim được khán giả đón nhận lại càng khó hơn nhiều…

Vân Thảo thực hiện