Văn học - Nghệ thuật

Ngày thơ Hà Nội: Góp phần tôn vinh vẻ đẹp thi ca

Thụy Phương 18/02/2024 12:20

Vào ngày 23/2/2024 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ngày thơ Hà Nội sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trên cơ sở Đề án “Ngày thơ Hà Nội”.

Đề án “Ngày thơ Hà Nội” là một trong 5 đề án về văn học nghệ thuật đã được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đề xuất và Thành phố Hà Nội đồng ý triển khai từ năm 2024. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các đề án phát triển công nghiệp văn hóa và chấn hưng văn hóa theo tinh thần hội nghị văn hóa toàn quốc 2023.

Lần đầu tiên tổ chức, Ngày thơ Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn thơ, đọc thơ, thẩm bình thơ, thi thơ của các tác giả, những nhà thơ nổi tiếng. Ngoài ra, trong khuôn khổ của Ngày thơ, các ca sĩ, nghệ sĩ sẽ thể hiện những bài hát “đi cùng năm tháng” được phổ từ thơ.

Bên cạnh đó, Ngày thơ Hà Nội còn có không gian độc đáo dành cho các lều thơ, quán thơ, các gian trưng bày tác phẩm thi ca, hội họa, nhiếp ảnh nghệ thuật của các hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội qua đó góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho Ngày thơ Hà Nội.

ngay-tho.jpg
Ngày thơ Hà Nội sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho hay, chủ đề xuyên suốt của Ngày thơ Hà Nội là niềm tự hào của đất rồng bay với vẻ đẹp thơ ca tích tụ và lan tỏa suốt chiều dài ngàn năm lịch sử; là sự khẳng định những đóng góp của thơ ca đóng trong sự nghiệp xây dựng con người Thăng Long xưa, Hà Nội nay; qua đó bồi đắp tâm hồn, tình yêu Hà Nội trong góp phần vào công cuộc chấn hưng và kiến tạo nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Thủ đô...

Không chỉ quy tụ các hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội, Ngày thơ Hà Nội còn có sự góp mặt của các văn nghệ sĩ đến từ các hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nói riêng, văn nghệ sĩ trên cả nước nói chung cùng 15 câu lạc bộ thơ và báo chí, các đơn vị xuất bản văn chương và đặc biệt là công chúng yêu thơ...

“Với vị thế của Thủ đô, bề dày lịch sử, văn học nghệ thuật, bản sắc văn hóa, truyền thống của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, chúng tôi hi vọng Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội sẽ trở thành ngày hội ngày hội của văn giới và công chúng yêu thơ, là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cao quý của thơ ca và những đóng góp của văn chương nói chung, thơ ca nói riêng trong dòng chảy văn hóa Việt, văn hóa Thủ đô..., qua đó góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, văn chương vào công cuộc dựng xây Thủ đô, đất nước”, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái chia sẻ./.

Thụy Phương